Anh Nguyễn Duy Linh bên mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ của mình.
Tốt nghiệp Đại học Cần Thơ ngành Thuỷ công đồng bằng vào năm 2006, sau 3 năm làm việc ở nhiều nơi, năm 2009, Nguyễn Duy Linh xin vào công tác tại Trạm Thuỷ lợi huyện Vĩnh Thạnh và được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn ngành nông nghiệp huyện vào năm 2014. Chứng kiến bà con lạm dụng phân bón hoá học, thuốc BVTV, nhiều lúc chỉ còn vài ngày nữa thu hoạch cũng mang thuốc ra phun làm cho chi phí sản xuất tăng cao mà lợi nhuận lại sụt giảm, ảnh hưởng đến sức khoẻ và ô nhiễm môi trường. Từ đó, Duy Linh nảy sinh ý định giúp bà con thay thế phương cách sản xuất để hạn chế sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, bảo vệ sức khoẻ người trồng lúa và cộng đồng. Để làm được điều này cũng như tìm ra quy trình canh tác mới, tranh thủ những ngày nghỉ, Linh tìm đến các chuyên gia về sản xuất nông nghiệp, những nông dân đi đầu trong canh tác lúa theo hướng hữu cơ và mua các chế phẩm về nghiên cứu để nắm rõ đặc tính và nguyên lý hoạt động của các chế phẩm trong việc phòng ngừa sâu bệnh, dịch hại trên cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng, cũng như tìm kiếm những chế phẩm phù hợp thay thế thuốc hoá học. Linh cho biết: “Bà con nông dân thường có thói quen bón phân, phun thuốc hoá học vô tội vạ, miễn sao thu hoạch đạt năng suất cao, cách làm này dẫn đến chi phí nhiều, lợi nhuận thấp mà còn ảnh hưởng đến môi trường và sức khoẻ cộng đồng. Muốn bà con thay đổi thói quen này chỉ có cách mình trực tiếp làm khi có hiệu quả bà con mới tin và làm theo”.
Nói là làm, vụ Đông-Xuân 2016 - 2017, Linh mạnh dạn thuê 1,2ha đất của Trại giống nông nghiệp huyện, áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ đối với giống lúa OM 2517. Qua quá trình canh tác và thu hoạch, Linh nhận thấy giống lúa này không nở bụi nên số chồi và số bông ít dẫn đến năng suất không cao. Các vụ sau, được sự giới thiệu của bạn bè và sự hỗ trợ của Trạm Trồng trọt và BVTV, Linh thực nghiệm đối với giống lúa ST24 và cho kết quả khá tốt. Trãi qua 8 vụ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ cho thấy, năng suất lúa không thua kém gì cách sản xuất truyền thống của bà con. Cụ thể, vụ Đông-Xuân năng suất lúa dao động từ 750 – 800 kg/công, vụ Hè-Thu và Thu-Đông năng suất từ 650 – 700 kg/công, chi phí sản xuất thấp hơn so với sản xuất theo tập quán cũ từ 150 – 200.000 đồng/công. Quá trình sản xuất, Duy Linh đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Anh tâm đắc: “Điều quan trọng nhất trong canh tác lúa hữu cơ là quản lý được đồng ruộng, nắm bắt kịp thời tình hình sinh trưởng, phát triển của lúa cũng như sâu bệnh, dịch hại để sử dụng phân bón và các chế phẩm sinh học hợp lý, đúng thời điểm, đồng thời có giải pháp hạn chế đơ bông, muối hạt thì lúa đảm bảo năng suất”.
Đồng hành cùng với thanh niên Nguyễn Duy Linh còn có ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh, ông Liêu Thanh, Phó Trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện cho biết: “Trạm hỗ trợ, tư vấn anh Linh về kỹ thuật, cách ghi chép nhật ký đồng ruộng và theo dõi tình hình sâu bệnh, dịch hại để xử lý kịp thời, bởi thành công của mô hình sẽ làm cơ sở nhân rộng cho bà con nông dân”.
Mô hình sản xuất lúa an toàn của anh Nguyễn Duy Linh là địa chỉ của các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực trồng lúa đến thăm, trong đó có GS.TS Võ Tòng Xuân và là mô hình tiêu biểu của Huyện đoàn Vĩnh Thạnh trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, thu hút nhiều đoàn viên và bà con nông dân đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Cùng với canh tác 4,6ha (gồm đất thuê và của gia đình), anh Linh còn mạnh dạn liên kết với các HTX trên địa bàn cung ứng vật tư phân bón, chế phẩm sinh học và bao tiêu sản phẩm. Vụ Đông-Xuân 2017 – 2018, anh đứng ra hợp đồng 50ha ở HTX Thạnh Đạt (xã Thạnh Quới) và HTX Đồng Vạn (thị trấn Thạnh An), vụ Đông-Xuân 2018 – 2019 hợp đồng sản xuất 12ha ở HTX Hiếu Bình (xã Thạnh An). Anh đang ấp ủ dự định sẽ xây dựng thương hiệu gạo an toàn để góp phần giải quyết đầu ra sản phẩm và giúp hạt gạo Vĩnh Thạnh vươn xa. Tuy nhiên, vấn đề anh Linh đang gặp khó khăn là đầu ra sản phẩm, thị trường tiêu thụ sản phẩm gạo an toàn chưa nhiều nên hiệu quả chưa cao. Hiện tại sản phẩm gạo của anh được Trung tâm Warrantek kiểm định đạt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng lượng tiêu thụ chưa nhiều. Để giải quyết đầu ra, anh tận dụng mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm, liên kết với cơ sở các nơi tiêu thụ. Mong muốn của anh là Nhà nước và ngành nông nghiệp cần có chính sách hỗ trợ hoặc giới thiệu các doanh nghiệp để tổ chức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.
Minh Hải
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn