Lễ ký thỏa thuận hợp tác mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Chiều 13.11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Lễ ký thỏa thuận hợp tác về phát triển mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản thực phẩm an toàn giữa doanh nghiệp - hợp tác xã và các chủ thể có liên quan.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Trần Thanh Nam, liên kết sản xuất là một nội dung quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hiện nay, đã có trên 20 mô hình liên kết đạt kết quả, nhất là những doanh nghiệp thu mua gạo, trái cây xuất khẩu…Nhưng làm sao để nhân rộng những mô hình này ra toàn quốc, bởi liên kết là tất yếu trong xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất tới hàng hóa.
“Hiện, có 2 trở ngại chính cho việc liên kết. Thứ nhất là sự chưa tin tưởng lẫn nhau giữa các đối tác, ai cũng muốn đảm bảo lợi ích của mình, chưa thấy hài hòa giữa các bên. Có một số nơi đã có giải pháp tốt, nhưng để nhân rộng ra vẫn cần có thời gian. Thứ hai là xây dựng chuỗi giá trị nhất là vùng nguồn nguyên liệu để đảm bảo cho sự liên kết. Hiện nay, vẫn còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, không xây dựng được chuỗi cung ứng nguồn hàng đáp ứng thị trường, nhất là xuất khẩu. Hiện, Bộ NNPTNT đang xây dựng dự thảo về nghị định liên kết sản xuất trong nông nghiệp, lấy ý kiến của các bộ ngành, địa phương. Bước đầu thử nghiệm là phối hợp với 5 doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp kí kết chương trình thí điểm mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản giữa DN – HTX – hộ nông dân.” – ông Nam cho hay.
Ông Ma Quang Trung – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết: Trên cả nước, hiện có 400 chuỗi liên kết, tuy nhiên vẫn có những liên kết chưa hẳn là chuỗi. Những mô hình hiện nay chưa được tổng kết đánh giá tạo thành mô hình điểm phổ biến ra địa bàn cả nước. Do vậy, Cục Kinh tế Hợp tác sẽ phối hợp với 5 DN tiêu biểu để thúc mối liên kết. Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn sẽ là cầu nối giữa các doanh nghiệp, phối hợp với hợp tác xã để xây dựng hợp đồng liên kết để vừa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, hợp tác xã, đảm bảo lợi ích hài hòa của hợp tác xã, doanh nghiệp.
Ngành mía đường được thí điểm để thực hiện liên kết chuỗi
“Xuất phát từ DN, DN có thị trường, kế hoạch sản xuất. Từ đó, chúng tôi giúp cho DN kết nối với các địa phương, khảo sát chỗ chưa có kinh tế HTX thì sẽ thành lập, chỗ nào có rồi sẽ củng cố lên. Qua mối quan hệ này sẽ có sự tham gia của nhà nước từ trung ương tới địa phương, có doanh nghiệp, HTX và nông dân. Và đặc biệt đây là những điểm sử dụng hiệu quả cơ chế hỗ trợ của nhà nước. Hiện nhà nước có rất nhiều cơ chế hỗ trợ, khi về tới địa phương lại khó áp dụng. Không chỉ kết nối giữa DN và HTX mà còn triển khai các chính sách nhà nước đã ban hành. Từ những mối liên kết thí điểm này, chúng tôi sẽ đánh giá tổng kết lại vào cuối năm 2018, đưa ra những mối liên kết mẫu. Sau đó, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức hội thảo toàn quốc để phổ biến ra toàn các địa phương. Các địa phương sẽ chủ động mời các DN HTX thực hiện mối liên kết trên địa bàn địa phương mình.
Ngoài Liên minh HTX (UCA), 5 DN tham gia thí điểm kí kết lần này là Công ty CP Giống cây trồng Trung ương (VINASEED); Công ty TNHH Toản Xuân; Công ty CP Mía đường Lam Sơn (LASUCO); Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai.
“Chúng tôi chọn thí điểm với liên kết với DN về lúa gạo và mía đường bởi đây là những ngành hàng tiềm lực và có thị trường rộng lớn. Chẳng hạn như mía đường đang là vấn đề rất nóng. Hiện, cả nước có hơn 300.000 ha mía đường, với hơn 1 triệu lao động. Hoạt động từ trước giờ toàn do nhà máy kí kết với nông dân nên xảy ra chuyện nhà máy bảo nông dân cung cấp nguyên liệu không đúng thời điểm, số lượng, nông dân lại bảo là nhà máy ép giá. Nên người ta không tin nhau. Với việc thí điểm, sẽ thành lập HTX đại diện cho hộ nông dân. DN kí kết với 1 đầu mối thống nhất sẽ hiệu quả hơn nhiều” – ông Trung cho biết.
Để đẩy mạnh việc liên kết sản xuất, tạo ra khối lượng hàng hóa ổn định, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, hiện Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông và UCA đã hoàn hiện Đề án “Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn Việt Nam”, trình Bộ NN&PTNT, các bộ ngành liên quan thẩm định, trình Chính phủ phê duyệt.
Ông Phạm Anh Tuấn – Giám đốc UCA – cho biết: Trọng tâm của Đề án là đề xuất xây dựng thí điểm Trung tâm kết nối sản xuất sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu nông sản an toàn Việt Nam theo vùng và liên vùng. Trung tâm sẽ làm nhiệm vụ chính là quản lý, phân phối, cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào như giống, phân bón, thuốc vảo vệ thực vật, tiến bộ khoa học kỹ thuật, thiết bị, công nghệ… và bao tiêu đầu ra cho các hợp tác xã, các chủ thể liên quan trong vùng và liên vùng. Trung tâm sẽ kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, để các loại nông sản đến tay người tiêu dùng có lý lịch rõ ràng, hồ sơ truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chặt chẽ, minh bạch. Từ đó xây dựng một nền nông nghiệp an toàn, nâng cao tính hiệu quả, quản lý được chất lượng đầu vào và chất lượng sản phẩm đầu ra. Từng bước làm minh bạch hóa thị trường nông sản an toàn và trở thành nơi kết nối, phân phối các sản phẩm nông sản an toàn cho người tiêu dùng thông qua hệ thống bán lẻ truyền thống và tiến tới xuất khẩu.
Tác giả bài viết: San Nguyễn
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn