Ngành kinh tế trọng điểm
Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế trọng điểm và bền vững, ngoài việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, HĐND, UBND và các cơ quan ban, ngành chuyên môn nghiêm túc thực hiện nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện khóa XXII trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới huyện Chi Lăng, giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2030.
Việc tái cơ cấu nông nghiệp của huyện luôn gắn liền với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tập trung thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề theo hướng phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh và thị trường tiêu thụ. Chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm và phát triển bền vững, liên tục, lâu dài, đồng bộ.
Tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Phát huy vai trò của các DN, HTX trong liên kết, hợp tác cung cấp các dịch vụ, thị trường tiêu thụ cho kinh tế hộ, kinh tế trang trại. Xây dựng và giữ vững được một số thương hiệu sản phẩm có lợi thế. Nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo...
Huyện đã thực hiện các chương trình, dự án trồng và phát triển cây ăn quả; tập trung trồng - chăm sóc các loại cây có giá trị kinh tế cao như na, hồi, bưởi, quýt, ớt...
Với đặc tính thổ nhưỡng - điều kiện khí hậu tự nhiên phù hợp, cây na sinh trưởng, phát triển rất tốt, năng suất và chất lượng cao. Vùng na, tập trung phát triển tại các xã Chi Lăng, Quang Lang, Mai Sao, Hòa Bình, Thượng Cường, Y Tịch, thị trấn Đồng Mỏ, thị trấn Chi Lăng với quy mô 1.500 ha. Xác định na là cây trọng điểm, huyện đã phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức lễ phát động trồng và chăm sóc na theo hướng sản xuất hàng hóa, cấp phát thuốc và tổ chức cho người dân triển khai bẫy bả, ruồi hại na đồng bộ, làm đường bê tông...
Na: Thương hiệu - hàng hóa
Từ sản xuất thủ công, truyền thống, cho sản lượng, năng suất thấp sang áp dụng KH-KT, huyện Chi Lăng đã vận động, hỗ trợ người nông dân sản xuất na an toàn với gần 1.000 ha na đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận sản xuất na an toàn, theo Thông tư 51/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT và theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap. Sản lượng 15.000 tấn/vụ, tạo nguồn thu trên 300 tỷ đồng, chưa tính các dịch vụ phụ trợ.
Hiện nay, trái na không chỉ là sản phẩm nông sản của địa phương, mà trở thành thương hiệu, hàng hóa, được tiêu thụ tại các thị trường trong và ngoài nước.
Người dân thấy được hiệu quả kinh tế từ na, đã không ngừng mở rộng diện tích, tích lũy, học hỏi kinh nghiệm, sáng tạo cách chăm sóc, bảo quản... nên na quả to, ngon đặc biệt, chất dinh dưỡng cao, ít hạt, được người tiêu dùng ưa thích, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa.
Thực hiện Quyết định số 546/QĐ-UBND ngày 27/3/2017 của UBND tỉnh về việc thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức ngày hội na Chi Lăng năm 2017, Ban Chỉ đạo tỉnh, UBND huyện Chi Lăng, các thành viên Ban tổ chức Ngày hội na đã tổ chức thành công Ngày hội na Chi Lăng (11 - 12/8/2017), tại Trung tâm Trưng bày nông sản, xã Quang Lang (Chi Lăng).
Tại Hà Nội, từ ngày 20 - 27/8/2017, trưng bày và cung ứng sản phẩm na theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap ở 3 điểm 498 Hoàng Quốc Việt, Royal City và 35 Tạ Quang Bửu. Tổ chức thành công hội nghị xúc tiến thương mại đối với thương gia Trung Quốc và các DN Hà Nội..., đã nhận được sự quan tâm của nhiều người, đông đảo khách hàng và phía cơ quan truyền thông. Ngày hội na Chi Lăng - sẽ là một sự kiện thường niên, giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm na trái vụ tại Hà Nội và một số địa phương trên toàn quốc.
Từ những thành công của các chương trình quảng bá, UBND huyện đề xuất với các cơ quan chức năng, các DN có thể tiếp tục đẩy mạnh những sự kiện tương tự.
Theo Hoàng Thiệp/THCL.VN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn