Những năm qua, việc trồng ngô, lúa không hiệu quả bởi địa hình ruộng vùng núi có nhiều đá, cằn và bị trũng nên người dân thôn Thanh Long, xã Thanh Vân đã chuyển đổi sang đào ao nuôi cá. Anh Tráng Thìn Lù, hộ đầu tiên nuôi cá ở thôn cho biết: “Nhà tôi nuôi cá được hơn chục năm nay, nhưng đến năm 2013 mới đào thêm diện tích ao nuôi cá thành 4 ao, với tổng diện tích khoảng 4.000m2. Để đầu tư nuôi cá, tôi đã thuê máy xúc về đào ao và xây bờ kè tốn vài trăm triệu đồng. Nhà tôi thường nuôi các loại cá Chép, Rô, Trắm... Cách chăn nuôi cá chủ yếu là bằng kinh nghiệm, có thể tận dụng các loại rau, cỏ, cám gạo ở nhà để làm thức ăn cho cá, nhờ đó cá sinh trưởng và phát triển tốt, trong suốt quá trình nuôi không phát sinh dịch bệnh. Trung bình một năm thu được khoảng 3 – 4 tấn cá, cho thu nhập 50 triệu đồng, so với trồng ngô, lúa trước kia thì cao hơn nhiều và không quá vất vả”.
Ao cá nhà anh Tráng Thìn Lù ở thôn Thanh Long, xã Thanh Vân (Quản Bạ). |
Từ một vài hộ nhỏ, lẻ ban đầu tham gia, sau một thời gian nhận thấy nuôi cá cho thu nhập cao, nhiều hộ trong thôn đã mạnh dạn đầu tư đào ao thả cá. Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Vân, Nguyễn Văn Bằng chia sẻ: “Trong khoảng 5 năm trở lại đây, các hộ theo nhau bỏ ruộng kém hiệu quả về kinh tế để thuê máy xúc về đào ao thả cá. Cả thôn Thanh Long hiện nay có 30 hộ đang nuôi cá, giá bán cá từ 50 – 100 nghìn/kg tùy từng loại. Những hộ nuôi cá có thu nhập cao vào khoảng 40 – 50 triệu đồng/năm, đây có thể xem là khoản tiền lớn đối với bà con ở vùng cao”.
Theo đánh giá, thị trường của sản phẩm cá hiện khá ổn định, do đây là nguồn cung cấp cá cho các chợ và nhà hàng trên địa bàn huyện, không cần phải nhập cá từ dưới xuôi lên. Nhất là khi du lịch phát triển thì nhu cầu của các nhà hàng tăng cao hơn trước. Anh Nguyễn Xuân Bình, một hộ nuôi cá khác ở Thanh Long, cho biết: “Nhà tôi có diện tích mặt ao nuôi cá là 2.000m2, tôi thường nuôi các loại cá, như: Trắm, Chép, Rô... do thích hợp với điều kiện nước ở đây. Nuôi cá ở đây có cái hay là tận dụng được nguồn nước suối chảy từ trên núi về, kết hợp với nguồn cỏ, rau, cám gạo phụ từ sản xuất nông nghiệp nên không tốn kém quá nhiều chi phí. Một năm nhà tôi bán cá cũng thu được khoảng 30 triệu đồng”.
Tuy nhiên, khó khăn ở đây là các hộ không chủ động được nguồn giống cá, vẫn phải nhập từ dưới xuôi lên, trong quá trình vận chuyển làm tỷ lệ cá sống thấp. Hơn nữa, các hộ nuôi cá dựa theo kinh nghiệm truyền thống từ xưa, nuôi nhiều loại cá trong một ao. Do chưa áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên có hộ còn nuôi cá thời gian quá lâu, lên tới 2 – 3 năm, cứ thu hết cá trong ao thì lại đi mua cá giống về thả, không vệ sinh, khử độc cho ao nên cá sinh trưởng phát triển chậm, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Mô hình nuôi cá ở vùng núi không chỉ dừng lại ở việc cải thiện bữa ăn gia đình mà đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa. Tuy nhiên, để phát triển mô hình nuôi cá bền vững, cần có sự tham gia của các ngành chức năng trong việc chuyển giao kỹ thuật, từ đó phát triển thành nghề tạo thêm thu nhập và việc làm cho người dân.
Bài, ảnh: Lê Hải/baohagiang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn