Thu hoạch tre măng Bát Độ. |
Hiện tại đang là thời điểm thu hoạch măng chính vụ, các xã tràn ngập không khí tấp nập khai thác, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm.
Đây là cây trồng trên đất đồi dốc, nhanh cho thu hoạch, sau trồng một năm bắt đầu ra măng, năm thứ hai thu hái, trung bình trong ba năm giai đoạn kiến thiết cơ bản cho thu nhập 3 triệu đồng/ha/năm. Tre Bát Độ giai đoạn kinh doanh, với điều kiện chăm sóc đảm bảo cho thu nhập 30 - 40 triệu đồng/ha/năm; sau chu kỳ 7 năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha.
Năm 2018, sản lượng măng toàn huyện đạt trên 40.000 tấn măng vỏ tươi trị giá trên 60 tỷ đồng. Năm 2019, sản lượng ước đạt trên 50.000 tấn măng vỏ tươi, giá trị trên 70 tỷ.
Trong những ngày này, gia đình bà Trần Thị Sánh, thôn Nam Hồng xã Hồng Ca cũng như bao hộ trồng tre tại xã, tất bật từ sáng sớm để đi khai thác măng. Với diện tích tre Bát Độ của gia đình 10ha, diện tích đang cho thu hoạch 7ha. Năm 2018 bà thu được trên 80 tấn măng vỏ tươi, giá trị trên 120 triệu đồng. Năm 2019, tính từ đầu vụ đến nay đã thu được trên 30 tấn măng vỏ tươi, ước tính thu được khoảng 50 triệu. Dự kiến năm nay thu nhập trên 160 triệu đồng.
Bắt đầu trồng tre từ năm 2007, gia đình anh Sổng A Dũng ở thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca đã có thu nhập ổn định từ trồng tre Bát Độ. Với tổng diện tích trên 3ha trong đó 2,5ha đang cho thu hoạch, năm 2018 gia đình anh thu lãi trên 40 triệu đồng.
Anh Dũng cho biết: “Trồng tre Bát Độ không khó khăn lắm, dân mình tự túc được giống rồi, không phải đi mua giống nơi khác nữa nên đảm bảo tỷ lệ sống tốt, công ty vào thu mua hết sản phẩm cho bà con”.
Công ty TNHH Vạn Đạt là đơn vị thu mua, đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm măng cho bà con huyện Trấn Yên trên 10 năm qua. Công ty đã phối hợp tốt với UBND các xã vùng nguyên liệu làm tốt việc đặt các điểm cân, thông báo giá thu mua, mở rộng mua măng tươi tại các xã giúp người dân thuận tiện hơn trong tiêu thụ sản phẩm.
Năm 2019, Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với công ty thu mua măng, là đầu mối thu mua và sơ chế toàn bộ sản phẩm măng tre Bát Độ trên địa bàn xã. Ngay từ đầu vụ HTX đã triển khai thu mua đến các thôn và sơ chế tại chỗ tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho người dân khai thác sản phẩm. Giá thu mua đảm bảo theo giá thị trường và quy định của công ty.
Với mục tiêu tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu, đầu tư thâm canh 1.900 ha tre kinh doanh hiện có, sản lượng đạt trên 50.000 tấn măng vỏ tươi, sản phẩm măng được tiêu thụ ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua huyện Trấn Yên đã tập trung nhiều giải pháp trong tổ chức chỉ đạo triển khai chương trình.
Chương trình tre Bát Độ được huyện triển khai thực hiện đảm bảo, Ban quản lý Dự án phối hợp với UBND các xã tổ chức tốt việc tuyên truyền nhân dân mở rộng diện tích, đầu tư thâm canh. Chú trọng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, chặt tỉa vệ sinh vườn tre chính vì vậy mà diện tích và sản lượng măng ngày càng tăng.
Các đơn vị tiêu thụ sản phẩm liên kết chặt chẽ, sản phẩm măng tre có đầu ra, thị trường tiêu thụ ổn định. Tre Bát Độ đang phát huy hiệu quả, là loại cây trồng đã khai thác được tiềm năng về đất đai, lao động ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói giảm nghèo... |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn