Năm 2001, khi phong trào cải tạo vườn tạp của thôn chưa phát triển, nhiều người chưa định hướng được trồng cây gì thì ông Vũ Đình Cẩn đã mạnh dạn cải tạo hơn 2 sào vườn của mình để trồng mướp đắng và bí xanh. Chỉ sau 4 tháng, ông thu về gần 15 triệu đồng.
Nhận thấy đây là mô hình có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông Cẩn tận dụng diện tích quanh ao cá, lối đi để làm giàn trồng mướp đắng. Chỉ cho chúng tôi giàn mướp đắng hai bên đường dẫn vào nhà, ông Cẩn cho biết thêm: “Chỉ tính riêng giàn mướp này, mỗi vụ gia đình tôi thu gần 5 tạ quả, bán với giá bình quân 12.000 đồng/kg, trong khi đó, giàn mướp lại giúp tạo bóng mát và cũng chẳng ảnh hưởng gì đến việc đi lại. Cộng với nguồn thu nhập từ mô hình VAC (nuôi lợn, gà, cá), tổng thu nhập của gia đình ông đạt 40 triệu đồng/năm.
Từ thành công của gia đình ông Cẩn, hiện nay, nhiều hộ ở thôn 13 cũng bắt tay vào cải tạo vườn ao của gia đình. Dưới giàn bí xanh mướt, trĩu quả, chị Nguyễn Thị Hoà vui vẻ cho biết: “Đất vườn nhà rộng nhưng trước đây chỉ trồng vài cây chuối, ít rau xanh đủ để phục vụ nhu cầu ăn uống hàng ngày của gia đình chứ không có thu, nhưng từ ngày học hỏi được kinh nghiệm cải tạo vườn tạp, tôi bắt tay vào trồng 2 sào bí xanh, mỗi ngày xuất bán khoảng 1 tạ quả, ước tính vụ bí này thu về khoảng 30 tạ quả. Với giá bán đầu mùa 8.000 - 10.000 đồng/kg, giữa mùa 5.000 - 7.000 đồng/kg, gia đình có một khoản thu kha khá, cao hơn so với một số cây rau màu khác”.
Được biết, xóm 13 có hơn 70 hộ thì có tới 35 hộ đã cải tạo vườn để trồng mướp đắng, dưa, bí xanh... Theo những hộ dân ở đây thì những loại cây này dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp, thị trường tiêu thụ khá ổn định. Hiện, bà con đang tiếp tục cải tạo vườn, tận dụng vùng đất ruộng cao để đưa các giống cây này ra đồng sản xuất nhằm nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Ông Phạm Văn Ba, Bí thư Chi bộ xóm 13 cho biết: Thôn phấn đấu đến năm 2015, toàn bộ diện tích vườn tạp của các hộ sẽ được cải tạo, kết hợp với chỉnh trang khuôn viên, sắp xếp, quy hoạch lại các công trình phụ trợ, bảo đảm gọn gàng, hợp vệ sinh, phù hợp với bản sắc văn hoá của dân tộc và các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, để mở rộng diện tích và phát triển bền vững thì người dân cần được tập huấn về tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật sản xuất rau an toàn nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đồng thời từng bước đưa sản phẩm này vào siêu thị.
Nguyễn Lựu
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn