Một người dân ở H.Phú Ninh (Quảng Nam) đang sở hữu trang trại nuôi ong lấy mật dưới tán cây rừng với 600 thùng, cho thu nhập gần 1 tỉ đồng/năm.
t ai biết, “cơ nghiệp” đồ sộ này được gầy dựng từ một dịp tình cờ và hầu như không có chút vốn liếng.
Năm 2012, ông Huỳnh Văn Nam (50 tuổi, trú thôn An Lâu 1, xã Tam Lãnh, H.Phú Ninh, Quảng Nam) trong một chuyến đi lên H.Tiên Phước đã tình cờ nhìn thấy một trang trại nuôi ong đang vào mùa, nên tạt vào ngỏ ý mua 10 thùng ong mang về nuôi thử nghiệm dưới tán rừng.
| | | Giống ong Ý này chỉ phát triển vào mùa nắng, thời tiết miền Trung ong chỉ nuôi được từ tháng 1 đến tháng 9 âm lịch. Còn từ tháng 10 - 12, tôi phải chuyển ong vào Tây nguyên nuôi vì giai đoạn đó là mùa nắng ở Tây nguyên | | | Ông Huỳnh Văn Nam, chủ trang trại ong Ý ở Phú Ninh | | |
Ban đầu, ông vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm. Sau khi đã nắm vững kỹ thuật, nhận thấy nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông mới “liều” vay mượn 400 triệu đồng để mua 400 thùng ong Ý mang về đặt dưới tán rừng keo của gia đình.
Nghề “vừa dễ vừa khó”
Theo ông Nam, nghề nuôi ong vừa dễ lại vừa khó. Dễ, bởi nuôi ong không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, không quá vất vả và ai cũng có thể làm được. Nuôi ong không tốn nhiều thời gian chăm sóc, nhưng ngược lại, đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận, có sức khỏe và sự cần mẫn từ phía chủ trang trại để… “chạy ong” theo mùa.
“Chạy ong” là từ dùng của dân trong nghề, chỉ việc di chuyển đàn ong. Đặc biệt là phải nắm được đặc tính của ong như: bay đi bay lại, ăn uống, xây tổ, chia đàn; am hiểu về các loài hoa, mùa hoa nở, mùa ong đi lấy mật để nâng cao sản lượng và chất lượng.
Ngoài ra, phải bắt đúng bệnh của ong để phòng ngừa mầm bệnh lây lan. “Giống ong Ý này chỉ phát triển vào mùa nắng, thời tiết miền Trung ong chỉ nuôi được từ tháng 1 đến tháng 9 âm lịch. Còn từ tháng 10 - 12, tôi phải chuyển ong vào Tây nguyên nuôi vì giai đoạn đó là mùa nắng ở Tây nguyên”, ông Nam lý giải.
Sau 3 năm gắn bó với những chú ong, đến nay ông Nam đã có trong tay trang trại nuôi ong lấy mật với gần 600 thùng. Mỗi tháng, ông xuất bán ra thị trường 7 tấn mật; với mức giá 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình ông Nam thu về gần 1 tỉ đồng.
“Cái khó nhất để nuôi lấy mật dưới tán rừng là mùa mưa phải di chuyển ong đi nơi khác”, ông Nam chia sẻ. Để có được đàn ong như hiện tại, ông đã đọc nhiều sách và tài liệu hướng dẫn cách chăm sóc ong, lần dò đến các hộ nuôi ong trong vùng để học hỏi kinh nghiệm thực tế. Không chỉ làm giàu cho bản thân mình, ông Nam còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với nguồn thu nhập từ 4 - 5 triệu/tháng.
Ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, đánh giá trang trại của ông Huỳnh Văn Nam là một trong những mô hình nuôi ong lấy mật dưới tán rừng thành công ở địa phương. Ngoài ra, ông Nam cũng là cầu nối cho nhiều hộ dân từ các nơi khác đến nuôi ong tại địa phương. “Địa phương sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để người dân an cư lạc nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương mình”, ông Vinh nói.
Nguồn: thanhnien.vn