Mỗi năm chỉ riêng vườn sầu riêng đã đem đến nguồn thu hơn một tỉ đồng. Riêng năm 2017, dự kiến ông Trắc sẽ thu hơn 2 tỉ đồng từ bán trái sầu riêng.
Vô tình xem một chương trình nói về việc người Thái Lan xuất khẩu sầu riêng qua châu Âu trong khi sản phẩm của mình chỉ quanh quẩn nội địa, ông Trắc quyết định chặt bỏ vườn cà phê, đầu tư hàng trăm triệu vào điện và nước để
trồng sầu riêng.
Sinh ra ở vùng thôn quê TX.Long Khánh (Đồng Nai), gia đình lão nông Trần Quang Trắc (70 tuổi, xã Xuân Lập, TX.Long Khánh), cũng như bao nông dân trong vùng chỉ biết quẩn quanh với cây đậu, cây bắp. Với 4 hécta đất trồng đậu, trồng bắp mỗi năm gia đình ông chỉ thu được hơn 100 triệu đồng. Cuộc sống của gia đình ông vì vậy cứ triền miên trong cảnh khó khăn, thiếu thốn.
Năm 1983, ông Trắc chuyển toàn bộ đất sang trồng cà phê và sầu riêng hột. Mỗi năm, vườn cà phê xen sầu riêng cho gia đình ông thu nhập khoảng hơn 500 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế có tăng hơn trước, tuy nhiên chừng đó chỉ đủ giúp gia đình 6 người với 4 đứa con tuổi ăn, tuổi học đủ sống chứ không có tích lũy.
Phá cũ trồng mới
Năm 2005, vô tình ông Trắc được xem một phóng sự truyền hình nói về việc người Thái Lan xuất khẩu sầu riêng qua châu Âu. Xem rồi ông tự hỏi vì sao người Thái lại có thể xuất khẩu được trái sầu riêng vào châu Âu trong khi sầu riêng của ông chỉ quanh quẩn với thị trường nội địa. Ngẫm nghĩ mãi, ông thấy rằng vấn đề nằm ở giống tốt, chất lượng trái đẹp, thơm, ngon. Nghĩ là làm, ông Trắc quyết định chặt bỏ 3 hécta vườn cà phê và sầu riêng hột để chuyển qua trồng các giống sầu riêng mới như: Ri6, Thái Lan và chín hóa. Ngoài ra ông còn trồng xen thêm măng cụt vào vườn. Bốn năm sau, vườn sầu riêng của ông Trắc bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi năm chỉ riêng vườn sầu riêng đã đem đến nguồn thu hơn một tỉ đồng. Riêng năm 2017, dự kiến ông Trắc sẽ thu hơn 2 tỉ đồng từ bán trái sầu riêng.
Theo ông Trắc, để có được vườn cây tươi tốt và cho năng suất cao là do ông mạnh dạn đầu tư hệ thống điện nước. Việc canh tác sầu riêng của ông ban đầu gặp khó do sử dụng máy nổ tốn nhiều chi phí và không áp dụng được các kỹ thuật tưới nước, bón phân nhỏ giọt để nâng cao hiệu quả vườn cây. Năm 2013, nhà nước đầu tư hệ thống lưới điện hạ thế về đến ấp Phú Mỹ (xã Xuân Lập), ngay lập tức ông Trắc liên hệ với ngành điện xin lắp đặt riêng một trạm hạ thế trị giá 125 triệu đồng để phục vụ riêng cho vườn sầu riêng. Không dừng lại ở đó, ông Trắc còn đầu tư hơn 100 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Nhờ vậy mà ông tiết kiệm được nước tưới, phân bón mà công lao động cũng giảm đi rất nhiều. Thành công với mô hình trồng sầu riêng xen măng cụt, ông Trắc tiếp tục đầu tư để mở rộng diện tích trồng thêm 1 hécta đất còn lại của gia đình.
Đi học ở tuổi 70
Ông Trắc chia sẻ muốn làm nông nghiệp thành công, người nông dân phải đảm bảo được ba yếu tố: đất, nước và giống. Ngoài ba yếu tố trên, cái chính dẫn đến thành công mà ông rút ra từ chính bản thân mình là kỹ thuật sản xuất. Bởi vậy, dù đã ở độ tuổi 70 nhưng ông Trắc vẫn miệt mài theo học các lớp kỹ thuật sản xuất. “Cứ có lớp học mở tại địa phương là tôi tham gia. Mình phải có kiến thức cơ bản đã rồi kết hợp với kinh nghiệm riêng của mình mới làm ăn hiệu quả được”, ông Trắc nói.
Theo ông Trắc, quá trình chăm sóc vườn cây ông đều ghi chép đầy đủ mọi công đoạn. Sau mỗi vụ, ông lại theo dõi để rút ra kinh nghiệm và giúp dễ quản lý tiền đầu tư hơn. “Sầu riêng Long Khánh có chất lượng rất thơm ngon và phù hợp để
xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện do người nông dân còn sản xuất manh mún, chưa theo quy trình. Ngoài ra, chúng ta còn yếu trong việc làm thương hiệu, bao bì, bảo quản nên vẫn tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Trung Quốc là chính, giá trị kinh tế mang lại không cao. Tôi mong nhà nước và các doanh nghiệp vào cuộc mạnh mẽ để giúp đỡ đưa trái sầu riêng Long Khánh có thể xuất vào những thị trường khó tính nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người nông dân”, ông Trắc kỳ vọng.
Tiểu Thiên/thanhnien.com.vn