Chị Nguyễn Thị Châu (xóm Phú Lộc, xã Nghĩa Phú, Nghĩa Đàn) chăm sóc đàn bò của gia đình. |
Là một người con trưởng thành trên Nông trường quốc doanh 22/12, ngay từ thuở nhỏ chị Nguyễn Thị Châu đã thấu hiểu ý nghĩa và giá trị của ý chí và lao động chân chính. “Năng nhặt thì mau chặt bị”, câu nói chị luôn tâm niệm và động viên gia đình trong lúc khó khăn đã giúp vợ chồng anh chị vững nghị lực vươn lên thoát nghèo, dần làm chủ cuộc sống và trở nên khấm khá, sung túc hơn.
Nhớ lại những năm đầu thập niên 90, nhờ có chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cùng các chính sách hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, chị Châu bàn với chồng mạnh dạn vay ngân hàng một ít vốn để mở cửa hàng tạp hóa lập nghiệp.
Nhu cầu mua bán trong vùng ngày càng tăng, từ chỗ kinh doanh nhỏ lẻ ban đầu, gia đình chị dần mở rộng cửa hàng, tăng thêm cả số lượng và chủng loại hàng hóa, trở thành đại lý phân phối cho các cửa hàng bán lẻ trong các xóm, làng vùng trong. Không để thời gian “chết”, rảnh chút nào là anh chị lại tranh thủ nấu thêm rượu, tăng gia vườn rau, nuôi thêm đàn lợn, đàn gà, khi xuất chuồng thì bán cho bà con chòm xóm và các vùng lân cận.
Dần dà, nhờ “mát tay” chăm nên đàn lợn của gia đình ngày một đông, từ dăm ba con lúc đầu lên chục con, rồi vài ba chục con, đem lại nguồn thu tương đối ổn định, nhưng anh chị chưa hài lòng mà ngày đêm trăn trở tìm hướng mới để phát triển thêm.
Năm 2014, trong một chuyến đi tham quan các mô hình chăn nuôi lợn, thấy nhiều nơi người ta đã nhạy bén, mạnh tay đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp, chị Châu càng thêm quyết tâm thay đổi cách nuôi nhỏ lẻ khi ấy. Ý định đang ấp ủ thì sau đó không lâu, UBND xã có chủ trương quy hoạch khu chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, cách xa khu dân cư.
Cho rằng đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng trang trại, chớp lấy cơ hội, vợ chồng chị Châu bàn nhau tiếp tục vay vốn ngân hàng, mua thêm đất đai và đầu tư bài bản hệ thống chuồng trại, chọn lọc 300 con giống chất lượng tốt để “thí điểm”. Chị bảo, nhờ trời thương nên lứa đầu xuất bán thu lãi cao, có tiền trả nợ một phần, còn đâu nữa anh chị mua thêm lợn giống, mở rộng quy mô.
Đầu năm 2016, khi trang trại đã đi vào hoạt động ổn định, đầu ra đảm bảo nhờ khẳng định được chất lượng thì cũng là lúc anh chị nhân rộng mô hình, mở trang trại thứ 2, nâng tổng đàn lợn lên hơn 1.000 con. Để chăn nuôi bền vững, lâu dài, trang trại được chú trọng đầu tư thêm hầm biogas xử lý chất thải, không ảnh hưởng tới môi trường.
Chị Nguyễn Thị Châu chăm sóc đàn lợn của gia đình. |
Tiếp tục đa dạng hóa kinh doanh để phòng trừ rủi ro, biến động thị trường, anh chị “chia trứng vào nhiều giỏ”, mở thêm đại lý cung ứng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và cây xăng dầu gần đại lý hàng tạp hóa, đáp ứng nhu cầu nhiên liệu phục vụ đi lại của số lượng phương tiện giao thông ngày càng tăng trên địa bàn.
Các mũi kinh doanh đều làm ăn khấm khá, lấy uy tín làm đầu nên khách hàng tin tưởng, vào ra nườm nượp. Chị Châu thuê thêm nhân công để đỡ đần công việc, nhờ đó tạo việc làm cho 15 - 20 lao động thời vụ, 5 lao động thường xuyên với mức lương 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Bận rộn là thế, nhưng bản thân chị Châu cũng như gia đình rất nhiệt tình, tích cực trong các hoạt động tập thể, các cuộc vận động của địa phương, không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ các hộ khó khăn học tập cách làm ăn để vươn lên thoát nghèo.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Phú Hồ Thanh Trọng nhận xét về chị: “Cách làm của gia đình chị Châu là mô hình tiêu biểu cho bà con trong và ngoài vùng tìm về học hỏi. Đáng quý ở chỗ chị không “giấu nghề”, sẵn sàng hướng dẫn mọi người về quy cách chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, nguồn thức ăn,… Gia đình chị cũng luôn đi đầu trong các hoạt động do Hội Nông dân các cấp phát động, đặc biệt vừa qua đã được xã tặng Giấy khen vì có đóng góp không nhỏ về vật chất và tinh thần, cùng chung sức đưa Nghĩa Phú sớm trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới”.
Chị Nguyễn Thị Châu chia sẻ: “Để có được tổng thu nhập từ sản xuất và kinh doanh sau khi trừ chi phí hơn 1 tỷ đồng/năm như hiện nay, gia đình tôi đã trải qua nhiều năm vất vả, đi lên từ thất bại. Chính vì vậy, với những ai mong muốn tìm hiểu kinh nghiệm, vợ chồng tôi luôn sẵn lòng giúp đỡ, chẳng giấu giếm làm gì, phải cùng nhau phấn đấu vươn lên, làm giàu cho bản thân, gia đình và góp phần làm đẹp cho quê hương”.
Cơ ngơi mà gia đình chị Châu có được hôm nay là niềm mơ ước của nhiều người. Với mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, sự gương mẫu đi đầu trong các hoạt động cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển chung của khu dân cư, chị Nguyễn Thị Châu đã được Hội Nông dân huyện Nghĩa Đàn lựa chọn trở thành 1 trong 7 đại biểu tiêu biểu của huyện về dự Hội nghị đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tỉnh Nghệ An lần thứ X, giai đoạn 2012 - 2016, dự kiến diễn ra vào tháng 3 tới. Với chị, đó sẽ là cơ hội để chia sẻ, giao lưu với những điển hình khác, và biết đâu sẽ là nơi bắt nguồn cho những ý tưởng sản xuất, kinh doanh táo bạo hơn trong tương lai không xa.
Theo Phú Bình/baonghean.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn