Mô hình trồng cam VietGAP tại xã Thất Hùng, huyện Kinh Môn.
Cơ chế đặc thù để tiếp sức nguồn lực cho các xã xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới đây được ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định, năm 2018, UBND tỉnh hỗ trợ mỗi xã 5 tỷ đồng đối với 30 xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2018; hỗ trợ 13 xã khó khăn để xây dựng 14 công trình với tổng số tiền hỗ trợ 72 tỷ đồng.
Đối với huyện Cẩm Giàng, có 4 xã chưa đạt chuẩn, ngoài mức hỗ trợ 5 tỷ đồng/xã, sẽ hỗ trợ thêm 2 tỷ đồng/xã. Riêng đối với xã Lương Điền và Cẩm Phúc hỗ trợ thêm mỗi xã 4 tỷ đồng để xây dựng phòng học. Tỉnh cũng hỗ trợ huyện Cẩm Giàng 20 tỷ đồng để hoàn thành các tiêu chí cấp huyện. K
ế hoạch cũng nêu rõ tổng nguồn vốn dự kiến để xây dựng NTM năm 2018 của tỉnh Hải Dương khoảng 3.530 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước 1.170 tỷ đồng; nguồn vốn tín dụng 1.600 tỷ đồng. Nguồn vốn từ các doanh nghiệp, HTX và các loại hình kinh tế khác 440 tỷ đồng. Huy động đóng góp của cộng đồng dân cư 320 tỷ đồng.
Theo ông Trần Văn Duyệt, phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ tỉnh Hải Dương, Mặt trận tỉnh đã hướng dẫn Mặt trận các huyện, thị xã, thành phố việc tổ chức việc lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới tại 32 xã đăng ký về đích xây dựng nông thôn mới năm 2017. Đến nay toàn tỉnh đã có 140 xã đạt chuẩn nông thôn mới, cùng huyện Kinh Môn và thị xã Chí Linh đã được Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2017.
Bên cạnh đó Hải Dương đã tổ chức các hội nghị đánh giá và nhân rộng 5 mô hình về ‘’Thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang’’, về ‘’Bảo vệ môi trường’’, ‘’Đảm bảo an ninh trật tự’’, ‘’ Ban Công tác Mặt trận tham gia chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới’’, ‘’Ban Thanh tra nhân dân thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng’’ ở 10 thôn thuộc 10 huyện.
Năm 2017, 12/12 huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức nhân rộng từ 1 - 5 mô hình khu dân cư tự quản tại 89 thôn (huyện Nam Sách, Gia Lộc đã triển khai xây dựng được 5 mô hình tự quản trên địa bàn, huyện Thanh Miện đã triển khai xây dựng mô hình ‘’Thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang’’ ở 19/19 xã, thị trấn.
Việc nhân rộng mô hình tự quản ở khu dân cư được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân quan tâm vì đã phát huy được tinh thần tự quản, sáng tạo của nhân dân trong việc tham gia xây dựng và thực hiện mọi mặt của đời sống xã hội ở địa bàn dân cư.
Đáng chú ý, các mô hình sản xuất tại các địa phương đạt chuẩn NTM được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương vào cuộc quyết liệt đã giúp người dân thay đổi cuộc sống như xây dựng mô hình sản xuất 50 ha ổi tại xã Liên Mạc (huyện Thanh Hà), xã Hiệp Lực (huyện Ninh Giang), mô hình trồng 20 ha cam sản xuất tập trung tại xã Thất Hùng (huyện Kinh Môn), phường Bến Tắm (thị xã Chí Linh), mô hình trồng hành tại xã Hiệp Hòa, huyện Kinh Môn...
Kết quả Sở đã cấp được 4 giấy chứng nhận cho 67,15 ha, đạt 96% diện tích. Trong đó xã Liên Mạc được cấp 1 giấy chứng nhận cho 27,586 ha ổi với 146 hộ nông dân tham gia, xã Hiệp Lực được cấp 1 giấy chứng nhận, cho 19,565 ha ổi, với 254 hộ nông dân tham gia, xã Thất Hùng được cấp 1 giấy chứng nhận, cho 25 ha cam, với 25 hộ nông dân tham gia, phường Bến Tắm được cấp 1 giấy chứng nhận cho 5 ha cam với 6 hộ nông dân tham gia.
Từ nay đến năm 2020, tỉnh Hải Dương phấn đấu hỗ trợ trực tiếp theo cơ chế đặc thù cho các xã sắp đạt chuẩn, đồng thời quan tâm hỗ trợ những xã khó khăn, có số tiêu chí nông thôn mới đạt thấp trong tỉnh để những xã này có điều kiện đẩy nhanh tiến độ cán đích nông thôn mới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn