Anh Đông (áo hồng) được chụp ảnh kỷ niệm cùng Bộ trưởng NN&PTNT
Quyết định rời quê hương để lập nghiệp ở mảnh đất Bình Phước, anh Dụng Quý Đông đã trải qua nhiều khó khăn vất vả để mưu sinh, dành dụm tiền mua vườn rẫy, trồng điều và cao su nhằm cải thiện kinh tế gia đình. Thế nhưng, nhận thấy giá trị của cây ăn trái, anh Đông lại quyết định chuyển đổi 20 ha cao su, điều đang cho thu hoạch sang trồng cây ăn trái. Quyết định ấy khiến không ít người ngạc nhiên. Anh Đông chia sẻ, tuy sở hữu diện tích điều, cao su đang cho thu hoạch cao nhưng anh không bằng lòng với giá trị mang lại so với sự phì nhiêu của vùng đất đỏ và công sức lao động bỏ ra. Anh bắt đầu tìm hiểu thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng, lợi thế về đất đai khí hậu của địa phương. Nhận thấy thị trường trái cây rất có tiềm năng, nhu cầu lớn trong khi tại địa phương mình sản xuất còn nhỏ lẻ không đủ cung cấp cho thị trường, nhất là các loại trái cây sạch, đảm bảo chất lượng. Năm 2005, anh chọn sầu riêng, quýt đường, bơ làm cây trồng chủ lực của gia đình mình. Tuy nhiên, do giống không phù hợp nên cây bơ không đạt năng suất và chất lượng. Đến năm 2010, sau khi tìm hiểu về năng suất và chất lượng cũng như giá trị của các loại cây ăn trái, anh lại cưa cao su để trồng thêm sầu riêng, bơ và mít Thái. Hiện trang trại của anh có 10 ha trồng sầu riêng, 5 ha trồng quýt đường, 3 ha trồng mít, 2 ha trồng bơ. Ngày từ đầu, anh Đông đã xác định sản xuất trái cây sạch đảm bảo chất lượng. Cỏ được nhổ, cắt hoàn toàn thủ công, không sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật nên nền đất mặt giữ được độ ẩm, tơi xốp, bảo tồn được các loại thiên địch, chống xói mòn, rửa trôi. Đất trên trang trại là đất đỏ, có độ thoai thoải nên thoát nước tốt, tránh ngập úng, hạn chế được nhiều mầm mống bệnh hại. Trên diện tích 20 ha, mỗi gốc cây đều được chăm sóc kỹ lưỡng nên hầu như các cây trồng đều xanh tốt, không thấy biểu hiện của bệnh hại. Các hàng cây đều tăm tắp và được chia theo từng nhóm cây, mỗi loại cây lại được chia thành từng khu vực để sản xuất theo mùa vụ để trái cây có thể xuất kho gối đầu quanh năm nhằm cung cấp cho thị trường.
Thời gian đầu khi trái cây của trang trại tiếp cận thị trường cũng gặp không ít khó khăn nhưng dần dần thương hiệu trái cây Quý Đông được định hình, mọi người đã tin dùng trái cây của trang trại. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường anh còn liên kết với các nhà nông khác để bao tiêu sản phẩm.
Năm 2014 trang trại đã được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên các loại trái cây sầu riêng, bơ, mít, quýt đường trên diện tích 20ha. Đây là trang trại trái cây đầu tiên của tỉnh đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trái cây của trang trại chủ yếu cung cấp cho hệ thống siêu thị Coop Mart và Công ty Aeon Việt Nam. Theo anh Đông, lợi nhuận mỗi ha cây ăn trái VietGAP cao hơn hẳn so với trồng cao su, điều và cao hơn so với trái cây thông thường là 10%. Trong đó, lợi nhuận của quýt đường là 560 – 700 triệu đồng/ha, sầu riêng là 400-500 triệu đồng/ha, mít Thái là 200-300 triệu đồng/ha và bơ là 620 triệu đồng/ha.
Để có được thành quả trên anh đã hàng ngày gắn bó và tận tâm với mảnh đất này. Với mục tiêu hướng vào chất lượng sản phẩm, trang trại Quý Đông là một địa chỉ để nhà nông có thể học hỏi về phương thức sản xuất, kỹ thuật chăm sóc để trái cây có chất lượng cao, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Vũ Hường
Trung tâm KNKN Bình Phước
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn