Phúc bồn tử - một loại cây trồng mới ở thị trấn D’ran, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ảnh: Yến Thy
Dù mới làm quen với loại cây trồng này, nhưng vườn phúc bồn tử của anh Đặng Vũ Đạt (sinh năm 1978), thôn Ha Ma Sin đã cho sai quả và xanh ngắt một màu.
“Năm 2012, gia đình tôi bắt đầu trồng thử nghiệm cây phúc bồn tử với diện tích ban đầu là 400 m², đến nay đã mở rộng gần 3.000 m² trồng cây phúc bồn tử trong nhà kính. Tôi thấy cây phúc bồn tử rất phù hợp với khí hậu nơi đây và cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây cà phê. Phúc bồn tử sau khi trồng khoảng 6 tháng là cho thu hoạch. Trung bình 1 ngày gia đình tôi hái được 10kg quả với giá bán gần 150.000 đồng/kg” - anh Đạt cho biết.
Được biết, ban đầu anh Đạt đầu tư vốn để trồng hồng, trồng cà phê nhưng cho thu nhập không ổn định, phụ thuộc nhiều vào thị trường và thương lái, chính vì vậy kinh tế của gia đình anh thu nhập không cao. Với mong muốn làm giàu, lại thấy cây phúc bồn tử trồng trong nhà kính đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nên anh mạnh dạn phá bỏ cây hồng và cây cà phê đầu tư vốn để trồng phúc bồn tử.
“Khi trồng thử nghiệm loại cây này, tôi gặp rất nhiều khó khăn vì chân ướt chân ráo đeo theo cây trồng mới này nên chưa nắm rõ được kỹ thuật trồng cũng như cách chăm sóc. Vườn cây bị sâu bệnh gây hại, phải cắt bỏ. Không phụ lòng người kiên trì, cuối cùng thành công cũng đã mỉm cười với gia đình tôi. Gia đình tôi hái trái theo ngày và thường để tủ đông để bảo quản, hái tới lúc nào đủ số lượng thì đem bán. Ngoài ra, tôi còn thu mua của nhiều hộ dân khác nữa đem tiêu thụ chủ yếu ở thành phố Đà Lạt, huyện Đức Trọng và Sài Gòn. Thời gian sắp tới, tôi tiếp tục đầu tư vốn mở rộng thêm 3.000 m² để trồng phúc bồn tử” - anh Đạt cho hay.
Không chỉ riêng gia đình anh Đạt, hộ gia đình anh Huỳnh Văn Sang, ngụ tại thôn Phú Thuận 1 cũng là một trong những hộ có diện tích trồng cây phúc bồn tử lớn và đem lại hiệu quả kinh tế cao ở thị trấn D’ran. Qua tìm hiểu được biết, gia đình anh có khoảng 3.000 m² trồng cây phúc bồn tử trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao.
Anh Sang chia sẻ: “Năm 2014, gia đình tôi bắt đầu trồng cây phúc bồn tử, so với các loại cây trồng khác thì cây phúc bồn tử cho thu nhập ổn định hơn. Thời điểm bán được giá cao nhất là vào khoảng tháng 8, vào dịp tết còn cháy hàng không có để bán. Sản phẩm của gia đình tôi chủ yếu nhập cho các công ty. Tuy nhiên, lúc nào trái chín rộ thì hàng bị tồn, hơn nữa trái phúc bồn tử hái xong không tiêu thụ được ngay sẽ nhanh hư và khó bảo quản, muốn bảo quản được phải có tủ đông, chính vì vậy việc tìm kiếm thị trường ổn định để tiêu thụ là một vấn đề rất lớn”.
Ông Nguyễn Ngọc Long - Phó Chủ tịch UBND thị trấn D’ran cho biết, phúc bồn tử là một loại cây trồng mới, không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà loại cây trồng này còn phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây và có giá cả tương đối ổn định, có tiềm năng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, loại cây trồng này chưa được nhân rộng trên địa bàn bởi thị trường tiêu thụ chưa ổn định. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra hàng đầu hiện nay là tìm kiếm đầu ra ổn định giúp nhân dân mạnh dạn đầu tư vốn mở rộng diện tích trồng phúc bồn tử.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn