Nghệ, từ một loại cây gia vị chủ yếu tự cung tự cấp nay được người dân xã Nghi Kiều (Nghi Lộc, Nghệ An) trồng đại trà trên những vườn đất sỏi nhựa, chân ruộng cao cưỡng, khô cằn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm.
Trồng nghệ cho lãi ròng 270 triệu đồng/ha/năm
Cùng với đó, nghề chế biến tinh bột nghệ tại đây đang phát triển, cây nghệ ngày càng cho thấy giá trị kinh tế.
Lãi 270 triệu đồng/ha
Với những xã miền núi như Nghi Kiều, đất đai khô cằn, nguồn nước phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, năng suất cây trồng vì thế thường bấp bênh. Từ hơn chục năm nay, phát hiện thấy cây nghệ có đặc tính thích ứng rộng, nông dân Nghi Kiều đã mạnh dạn xóa bỏ những cây trồng khác để trồng nghệ. Nghệ được người dân trồng trong vườn, trên các chân ruộng cao cưỡng, đất màu… Đến nay toàn xã đã có 20ha nghệ, chủ yếu tập trung ở xóm 17, 18, trong đó có 5ha nghệ đen.
Nông dân xã Nghi Kiều cho biết, trồng nghệ không khó, đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế cao nên diện tích nghệ tại xã vẫn không ngừng tăng lên.
Bà Hoàng Thị Hằng, một chủ hộ trồng và chế biến tinh bột nghệ tại xóm 17 cho biết: “Thời vụ trồng nghệ thích hợp nhất là vào khoảng tháng 2 -4 hàng năm và thu hoạch vào dịp cuối năm. Mỗi sào nghệ (500m2-PV) cần 70kg nghệ giống, phân chuồng, NPK. Khi cây nghệ cao bằng đầu gối thì bón thúc thêm 3kg đạm ure + 6kg kali và một ít phân chuồng hoai. Tốt nhất chọn thời điểm sau mưa để bón thúc. Khi cây lá nghệ chuyển sang màu vàng, chuẩn bị rũ lá thu hoạch là thích hợp nhất.
Trồng, chế biến tinh bột nghệ tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương
Năng suất nghệ, nếu chăm bón đúng kỹ thuật có thể đạt 1,5 tấn/sào. Tính giá nghệ củ bình quân là 10 nghìn đồng/kg thì người trồng nghệ thu về 15 triệu/sào, lãi ròng 13,5 triệu đồng/sào. Tính ra, với mỗi ha nghệ, nông dân lãi ròng 270 triệu đồng. Với vùng đất khô cằn, sỏi đá như Nghi Kiều, cây nghệ thực sự là cây trồng hiệu quả. Năm nay, gia đình tôi trồng 7 sào nghệ, tính ra cũng thu về trên 100 triệu đồng”.
Ba giống nghệ được trồng ở Nghi Kiều gồm nghệ nhạt cho năng suất cao, lượng tinh bột nhiều và nghệ vàng thơm ngon nhưng năng suất và lượng tinh bột thấp nhưng giá cao. Hai loại nghệ này cho tinh bột màu vàng. Loại nghệ đen mới được du nhập vào trồng tại Nghi Kiều năng suất thấp, cho ra tinh bột màu trắng, giá bán cao...
Trồng gắn với chế biến
Nếu như trước đây, người trồng nghệ tại Nghi Kiều chủ yếu phục vụ nhu cầu nghệ làm gia vị hàng ngày, bán tại địa phương thì nay, nhiều hộ đã đầu tư máy chế biến tinh bột nghệ. Điều đó càng khiến giá trị cây nghệ được nâng lên, nghệ củ trồng ra không còn sợ ế hàng, tinh bột nghệ tại Nghi Kiều có tiếng thơm ngon, chất lượng. Tính đến nay, tại Nghi Kiều đã có trên dưới 10 hộ chế biến tinh bột nghệ. Các gia đình này không chỉ tiêu thụ nghệ củ do địa phương sản xuất ra mà nhập nghệ từ các tỉnh khác về để chế biến.
Công đoạn xay nghệ củ
Công suất chế biến tại cơ sở của bà Hoàng Thị Hằng tại xóm 17 trên dưới 1 tấn/ngày, tương đương khoảng 50kg tinh bột nghệ. Theo bà Hằng, nếu mỗi sào nghệ thu hoạch được 1,5 tấn, bán ra thị trường được 15 triệu đồng. Qua chế biến, mỗi sào nghệ sẽ cho 90 - 100kg tinh bột, bán ra thị trường được trên dưới 30 triệu đồng. Như vậy, nếu gắn sản xuất với chế biến tại chỗ, nông dân sẽ lợi gấp đôi. Tinh bột nghệ rộng đầu ra, giá cả ổn định vì thế, nhiều hộ trồng diện tích lớn đã đầu tư máy móc để tự chế biến.
Nghệ sau khi thu hoạch được tách củ, rửa sạch, đưa vào máy xay, sau đó vắt bỏ bã, lấy nước. Công đoạn lóng loại bỏ tạp chất lấy tinh bột là quan trọng và phức tạp nhất nhất. Theo bà Hằng, không phải ai cũng có thể thực hiện được công đoạn này. Thông thường, việc lóng nước lấy tinh bột được thực hiện từ 2 - 3 lần. Sau khi lọc xong, tinh bột được đưa lên giàn hong khô, đưa vào lò sấy chừng 12 - 18 giờ, nghiền thành bột, sau đó đóng bao xuất bán.
Tinh bột nghệ sau khi được lắng lọc sẽ đưa vào sấy khô, nghiền bột.
Các cơ sở chế biến tinh bột nghệ tại Nghi Kiều cũng tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với mức thu nhập 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Ông Hoàng Đình Phương, Chủ tịch UBND xã Nghi Kiều cho biết, trong các cây trồng hàng năm ở địa phương, nói về hiệu quả kinh tế thì chưa cây gì qua nổi cây nghệ. Ngoài hiệu quả kinh tế cao, nghề chế biến tinh bột nghệ còn tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương.
"Hiện giá tinh bột nghệ là 350 - 450 nghìn đồng/kg nhưng nếu xây dựng được thương hiệu làng nghề, có chứng chỉ ATVSTP thì sản phẩm sẽ bán được cho các cơ sở y dược, giá cao. Xã đang xúc tiến để nghề chế biến tinh bột nghệ ở đây được cấp chứng chỉ ATVSTP, tiến tới được công nhận làng nghề. Đó sẽ là điều kiện để người nông dân thêm gắn bó với cây trồng hiệu quả này”, ông Phương tâm sự.
Tinh bột nghệ ở Nghi Kiều nổi tiếng thơm ngon, chất lượng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn