Cỏ voi
Cỏ voi mọc được khắp nơi, trên vùng đất cao, đất thấp, sườn đồi, nhưng tăng trưởng mạnh nơi đất có nhiều chất mùn, ẩm độ cao. Cỏ voi dễ bị thối gốc và chết nếu đất bị ngập nước. Sức chịu đựng hạn hán không bằng cỏ sả. Cỏ voi trước khi trồng phải cày bừa thật kỹ và làm sạch cỏ. Cày đất ở độ sâu 20 - 25 cm, nhặt hết cỏ dại và san bằng đất trồng; rạch hàng sâu 15 - 20 cm.
Cỏ voi sinh sản vô tính, trồng bằng thân, tốt nhất sử dụng thân giống loại không quá già, không non quá, độ tuổi 80 - 100 ngày và được chặt vát thành hom, độ dài 20 - 25 cm/hom. Mỗi hom có 3 - 5 mắt mầm.
Bảo quản hom giống trong râm mát, vài hôm sau đem trồng là tốt nhất. Không nên để khô, sẽ kém nẩy mầm. Đặt hom gối đầu nối tiếp nhau, rồi lấp đất dày từ 7 - 10 cm.
Sử dụng 7 - 10 tấn giống/ha. Trồng bằng hom, nên trồng theo từng hàng, tiện cho việc chăm sóc như làm cỏ dại, bón phân; khoảng cách trồng 30 x 40 m.
Tùy theo từng loại đất tốt, trung bình, xấu bón phân cho phù hợp. Sau đây là cách bón phân cho 1 ha đất/năm: Phân chuồng 15 - 20 tấn, super lân 250 -300 kg, KCL 100 - 200 kg, ure 400 - 500 kg.
Trong đó, phân chuồng và super lân được sử dụng toàn bộ để bón lót. KCL và ure chia đều cho bón thúc (sau khi trồng từ 20 - 30 ngày) và sau mỗi đợt thu hoạch. Tuy nhiên tùy theo đất tốt hay xấu và mùa nắng hay mùa mưa mà chúng ta tăng hay giảm lượng phân bón cho phù hợp.
Để cỏ sử dụng được lâu và năng suất ổn định, cần chăm sóc thường xuyên theo đúng quy trình kỹ thuật. Sau khi trồng 10 - 15 ngày, tiến hành kiểm tra tỷ lệ nảy mầm. Trồng dặm những chỗ bị chết.
Làm cỏ dại 2 - 3 lần trước khi cỏ trồng lên cao phủ kín mặt đất. Sau mỗi lần thu hoạch, xới đất, diệt cỏ dại, tưới nước, bón phân ure để cỏ trồng tái sinh nhanh, cho năng suất cao.
Sau 2 tháng kể từ ngày trồng, đến kỳ thu hoạch lần đầu. Những lần sau chu kỳ thu hoạch từ 30 - 40 ngày trong mùa mưa. Mùa nắng, những đồng cỏ không có hệ thống tưới, thời gian thu hoạch có thể tới 60 ngày. 1 năm trung bình thu hoạch từ 6 - 10 lần.
Cỏ voi có thể cao đến 3 m, nhưng thường khi cỏ cao độ 1 m là cho thu hoạch. Vì nếu cỏ càng già, thành phần giá trị dinh dưỡng càng kém và tỷ lệ chất xơ sẽ nhiều. Nếu cỏ còn non quá, chứa nhiều nước, gia súc ăn vào dễ bị tiêu chảy.
Khi thu hoạch lưu ý gốc cỏ chừa lại cao từ 20 - 30 cm để cỏ nảy nhiều mầm. Năng suất 1 lần cắt trung bình 30 - 60 tấn/ha, một năm từ 240 - 350 tấn/ha.
Cỏ sả
Cỏ sả có thể trồng ở nhiều vùng đất khác nhau chịu được hạn hán và khô, nhờ hệ thống rễ mọc sâu và rộng. Cỏ sả thích hợp với loại đất cát, tránh ngập nước, đất cày sâu từ 15 - 20 cm. Làm sạch cỏ dại, lên liếp có rãnh thoát nước.
Trồng cỏ sả bằng tép hoặc bằng hạt. Trồng bằng tép, ưu điểm hơn trồng bằng hạt, cỏ sẽ nứt chồi mọc mau, lấn át được cỏ dại, nhưng tốn nhiều công. Tách gốc và cắt bớt lá rồi đem trồng ngay.
Lượng giống cần khoảng 2 -2,5 tấn/ha; Hàng cách hàng từ 40 - 60 cm. Mỗi bụi cách nhau 30 cm, trồng sâu 15 cm; Lấp đất dày 10 cm, để hở phần ngọn và dẫm chặt. Trồng bằng hạt, số hạt cần từ 10 - 15 kg/ha.
Cách bón phân cỏ sả tương tự như cỏ voi, tùy theo đất tốt hay xấu mà tăng giảm lượng phân cho thích hợp. Sau 1 - 2 lứa thu hoạch, bón thêm phân ure và kali. Tưới nưới, tưới nhiều vào mùa nắng để giúp cỏ nhanh chóng mọc chồi trở lại.
Sau 2 tháng trồng bằng tép có thể thu hoạch lần đầu. Nếu trồng bằng hạt 2,5 - 3 tháng thu hoạch. 1 năm cắt từ 8 - 10 lần và chu kỳ cắt trung bình 1 - 1,5 tháng. Năng suất 1 lần cắt trung bình 10 - 15 tấn/ha. 1 năm 80 - 150 tấn/ha.
nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn