Ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An chia sẻ, doanh nghiệp Việt Nam thường có gì bán nấy, đa phần chào bán những loại gạo khách hàng không cần trong khi loại gạo khách hàng cần thì doanh nghiệp không có.
Nông dân thường trồng nhiều giống lúa khác nhau để bán cho thương lái
Nguyên nhân của việc này cũng do nông dân nhiều năm liền sản xuất tự phát, trồng nhiều giống khác nhau. Đến khi thu hoạch thì bán lúa dựa vào thương lái. Nông dân sản xuất giống gì thì doanh nghiệp phải mua giống lúa đó nên chất lượng gạo không cao, không đồng nhất, nhiều lúc còn bị thương lái pha trộn nước.
“Chính vì xuất phát điểm này của nguồn nguyên liệu nên dù Việt Nam đứng nhất nhì thế giới về số lượng gạo xuất khẩu hàng năm nhưng giá trị thường rất thấp. Thị trường đầu ra bấp bênh, hay bị ép giá”, ông Bình cho biết.
Những năm gần đây, khi có các thương nhân tham gia xây dựng vùng nguyên liệu lúa, liên kết với nông dân gắn sản xuất với tiêu thụ, Việt Nam có thể cung cấp gạo chất lượng cao, đồng nhất chỉ 1 loại giống. Và cũng từ đó, các nhà nhập khẩu gạo đồng ý trả thêm cho Việt Nam từ 50 – 80USD/tấn gạo đồng nhất nêu trên.
“Các thương nhân khi xây dựng được nhiều vùng nguyên liệu lúa với quy trình canh tác sạch thì thị trường tiêu thụ có ngay từ đầu chớ không cần phải đi xúc tiến hay tìm kiếm thị trường. Còn nếu không có được vùng nguyên liệu, nhà nước có hỗ trợ cả nghìn tỷ thì gạo Việt vẫn không bán được hoặc bán được thì giá cũng rất thấp”, ông Bình nhận định.
Do đó, việc phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam phải được thực hiện từ vùng nguyên liệu lúa. Một khi xây dựng được vùng nguyên liệu lúa sạch, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, gạo Việt Nam sẽ xây dựng được thương hiệu, được người tiêu dùng trong và ngoài nước tín nhiệm, giá trị gia tăng cao…
Ông Đỗ Hà Nam – Tổng giám đốc Intimex Group cũng nhận định, có nhiều giống gạo Việt Nam gần như độc quyền tại thị trường Trung Quốc, các giống lúa thơm như ST21, OM5451… cũng rất được ưa chuộng.
“Việt Nam đang có nhiều giống lúa như Nàng Hương, Chợ Đào… tuy nhiên ST21 được khá nhiều nhà nhập khẩu ưa chuộng. Từ đó đặt ra vấn đề cần phát triển những giống lúa nào được thế giới chấp nhận”, ông Nam nhận định.
Xây dựng được các sản phẩm gạo đồng nhất một giống, doanh nghiệp được trả giá thêm 50 - 80USD/tấn
Tại Hội nghị phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020 do Bộ Công thương tổ chức sáng nay ở TP.HCM, ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, định hướng phát triển trong thời gian tới, Việt Nam cần phát huy lợi thế cạnh tranh để tận dụng các thị trường gần và truyền thống, cụ thể là Châu Á và Châu Phi. Thị trường Trung Quốc cũng rất rộng lớn, cần được tiếp tục chăm sóc, phát triển.
Như Philippines, sắp tới chính sách nhập khẩu gạo sẽ thay đổi, nước này sẽ thực hiện nhập khẩu gạo theo cơ chế thuế quan của WTO, các nước trong khối Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được tự do nhập khẩu gạo vào Philippines và chịu mức thuế nhập khẩu gạo 35% trong khi các nước ngoài AEC sẽ phải chịu mức thuế đến… 400%.
Tuy vậy, Philippines vẫn duy trì hạn ngạch thuế quan ở mức 350.000 tấn, các nước có quota đặc biệt như Việt Nam, Thái Lan… được hưởng quy chế ưu đãi. Hay như ở các Châu Âu cho ta 80.000 tấn miễn thuế nhờ Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU nhưng tới nay Việt Nam vẫn chưa thể tận dụng được “gói ưu đãi” này.
Tác giả bài viết: Thuận Hải
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn