Tự tìm đáp án
Trước đây, gia đình ông Gặp có khoảng 3 ha đất. Khi 2 người con lớn lập gia đình, ông chia đất cho các con và giữ lại 8 sào để làm kinh tế. 5 năm trở lại đây, những cây nông sản chủ lực của tỉnh giá bấp bênh, năng suất kém do thời tiết diễn biến bất thường.
Năm 2013, ông Gặp chặt cây điều chuyển sang trồng cao su. Trong thời kỳ chăm sóc cao su, ông nhận ra rằng, đến lúc cao su có thu phải mất 6 năm nên băn khoăn làm thế nào khai thác hết tiềm năng đất khi cây chưa khép tán.
“Sau khi tìm hiểu thị trường, giá các mặt hàng trái cây, tôi chọn mít Thái lá bàng trồng xen trong vườn cao su. Loại cây này dễ trồng, chi phí thấp, thời gian cho thu ngắn, đặc biệt là giá ổn định. Năm 2014, mít Thái lá bàng chỉ có giá 20.000 đồng/cây giống, tôi mua 150 cây và phân bón với chi phí đầu tư ban đầu khoảng 7,5 triệu đồng. Sau 18 tháng, vườn mít cho thu bói. Vụ đầu tiên sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lợi 60 triệu đồng...” - ông Gặp cho biết.
Ông Nguyễn Văn Gặp (bìa trái) chia sẻ cách chăm sóc mít Thái lá bàng với ông Đoàn Văn Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Chơn Thành.
Mít Thái lá bàng cho thu hoạch quanh năm, trung bình mỗi tháng thu khoảng 4 đợt. Vào mùa khô, mít nhanh chín nên tăng lên 5 đợt. Năm 2017, vườn mít của gia đình ông Gặp đạt 120 tấn với 3kg mít trái được 1kg mít thành phẩm. “Hiện giá mít thành phẩm thương lái thu mua tại nhà là 12.000 đồng/kg nên gia đình tôi đã có gần 500 triệu đồng. Mức thu này so với trồng cao su lợi hơn nhiều..” - ông Gặp nói.
Mít nuôi lợn, lợn nuôi mít
Theo ông Gặp, trong những loại sâu bệnh tấn công vườn mít thì nấm hồng và ruồi đục trái là loại sâu bệnh dễ khiến người trồng gặp khó. Trong khi các hộ khác tìm kiếm nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật để, xịt với chi phí cao, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì nhà ông Gặp lại hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Gặp thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện nấm hồng, xử lý bằng cách cưa và đốt. Để tránh sâu bọ phá hoại trái mít, ông dùng viên long não bỏ vào túi ni-lon nhỏ treo trên cây. Ông còn đầu tư hệ thống tưới nước tự động nhằm đảm bảo đủ lượng nước cho cây phát triển vào mùa khô. |
“Mít dễ trồng nhưng để đạt năng suất cao cần chăm sóc đúng kỹ thuật. Từ khâu đào hố, bón phân, tưới nước cũng phải phù hợp với từng địa hình, loại đất, thời tiết từng mùa.
Cụ thể, đất bằng phẳng thì xẻ rãnh sâu ít nhất 30-40cm để chống úng vào mùa mưa. Khi tưới nên điều tiết vừa đủ lượng nước, tránh ngập úng. Phân lót mỗi gốc trộn khoảng 0,5kg vôi bột với 0,3kg super lân, 10kg phân chuồng hoặc trấu mục...” - ông Gặp chia sẻ.
Ông Đoàn Văn Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Chơn Thành cho biết: Tuy diện tích nhỏ nhưng năng suất vườn mít của ông Gặp cao nhất so với các hộ trồng mít trên địa bàn. Đây cũng là vườn mít phát triển đều tán, cho trái đẹp và to với tỷ lệ sâu bệnh rất thấp.
Sau khi thương lái thu gom mít thành phẩm, gia đình ông Gặp tận dụng vỏ, xơ, hạt làm thức ăn chăn nuôi heo. Lúc nhiều nhất, đàn heo gia đình ông lên đến 100 con. Từ nguồn chất thải của heo, ông ủ làm phân bón cho vườn mít. Cách làm này vừa tiết kiệm kinh phí mua phân bón, vừa có thêm nguồn thu từ nuôi heo, hạn chế sử dụng phân bón hóa học trong chăm sóc vườn nên mít của gia đình ông đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời, cây cao su cũng được hưởng lợi nhiều hơn từ nguồn phân bón này. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn