Quy mô lớn nhất
Chia sẻ với phóng viên của Intrafish bên lề diễn đàn Thủy sản Bắc Đại Tây Dương (NASF) tại Bergen, Na Uy; Anthony Costrowski - trưởng nhóm nghiên cứu khoa học tại Công ty Sino Agro Food (SIAF) của Trung Quốc bày tỏ kế hoạch đầy tham vọng của công ty này thông qua dự án siêu trang trại Zhongshan. Theo Anthony, trại Zhongshan đánh dấu bước ngoặt quan trọng của ngành tôm nuôi trong việc chuyển đổi cách thức nuôi hiệu quả và bền vững. Anthony tự tin khẳng định: “Nếu chúng tôi có thể nuôi trồng thủy sản bền vững ở Trung Quốc, thì cũng có thể làm được điều này ở bất cứ quốc gia khác trên thế giới”.
Trại Zhongshan được lắp đặt hệ thống lọc tuần hoàn khổng lồ (RAS) với khả năng đạt sản lượng tối đa 300.000 tấn tôm càng xanh (macrobrachium rosenbergii) khi hoàn thành vào năm 2025. Nhưng năng suất thực tế hiện tại chỉ gần 200.000 tấn/năm. Ngoài tôm, Công ty Sino Agro cũng lên kế hoạch nuôi nhiều loại thủy sản khác kết hợp trồng rau và cây ăn quả bằng hệ thống aquaponic - nuôi thủy sản kết hợp thủy canh. Ngoài trại nuôi, dự án còn có nhà máy sản xuất thức ăn và nhà máy chế biến sản phẩm giá trị gia tăng; tới năm 2017, sản lượng sẽ tăng thêm 10.000 tấn.
RAS từ lâu đã được nhiều nhà đầu tư quan tâm và kỳ vọng trở thành tương lai của ngành nuôi trồng thủy sản nhưng hiện vẫn chưa có nhiều minh chứng cho thấy lợi ích của hệ thống khi áp dụng trên quy mô sản xuất khổng lồ. Tuy vậy, vào tháng 3/2014, đại diện Sino Agro đã tuyên bố công nghệ độc quyền, liên kết đầy đủ, tự động hóa và kiểm soát được môi trường, cũng như quản lý chặt chẽ chất lượng nước sẽ trở thành mô hình lý tưởng cho ngành nuôi trồng thủy sản trong tương lai. Công nghệ này tạo môi trường sinh trưởng lý tưởng, giúp cải thiện năng suất và tỷ lệ chết dưới 8%, hệ số chuyển hóa thức ăn 1:1 với thức ăn viên và 2:1 với thức ăn dạng khác.
Bền vững là chìa khóa
Mục đích chính của mô hình liên kết dọc từ trang trại tới bàn ăn đó là tạo ra những sản phẩm tôm bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của tầng lớp trung lưu có dân số đang ngày càng gia tăng tại Trung Quốc, Ostrowski cho biết.
Công ty Sino Agro cam kết công nghệ nuôi tại Zhongshan sẽ loại trừ khả năng bùng phát dịch bệnh, không sử dụng kháng sinh và hoạt động có trách nhiệm với hệ sinh thái, môi trường cũng như xã hội. Sản phẩm tạo ra sẽ được nhắm vào các thị trường thủy sản chất lượng cao tại Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa, chi phí sản xuất cũng sẽ nằm ở mức cao hơn. Nhưng Sino vẫn theo đuổi dự án này do nhìn thấy lợi nhuận tiềm năng nằm ở mật độ nuôi thả lớn hơn, sản lượng cao hơn và giá bán tôm thương phẩm ra thị trường tốt hơn.
Theo Sino Agro Food, hệ thống này là giải pháp công nghệ nuôi hiệu quả và bền vững sinh thái nhất, nhưng vẫn đảm bảo sản lượng cao, không dịch bệnh, sản phẩm chất lượng nhờ sử dụng ít không gian và nguồn nước hơn so với các hệ thống khác. Trại nuôi tôm Zhongshan cũng là trại nuôi tôm thương phẩm trong nhà đầu tiên và quy mô lớn nhất Trung Quốc cũng như trên thế giới.
Sức lan tỏa mang tầm quốc tế
Vào tháng 11 năm ngoái, Sino Agro Food đã tuyên bố kế hoạch mở rộng hoạt động nuôi trồng thủy sản tại Oslo, Na Uy. Erik Ahl, Giám đốc tài chính và đầu tư tại Công ty cho biết kế hoạch mở rộng này sẽ được thực hiện trong năm 2016.
Hiện tại, Công ty đã thảo luận với các cố vấn và đặc biệt quan tâm tới việc thiết lập các cơ sở nuôi trồng thủy sản tại Oslo, Na Uy. Thực tế, sự quan tâm của các nhà đầu tư với mô hình này ngày càng gia tăng. Có rất nhiều chuyên gia tại Na Uy đang tìm kiếm Sino Agro Food để đa dạng hóa rủi ro từ phân khúc cá hồi đầy bấp bênh. Bjorn Myrseth - một nhà tìm kiếm đầu tư kỳ cựu trong ngành thủy sản, chủ sở hữu Vitamar, một trong những nhà sáng lập trang trại Stolt Sea Farms và Marine Farms, nay thuộc Marine Harvest cho biết: “Tôi đặc biệt quan tâm tới mô hình RAS của Sino Agro Food, những thành công mà Sino Agro đã làm được rất đáng để thế giới học tập”.
Với tính hiệu quả đã được chuyên gia thế giới công nhận, có lẽ, Sino Agro Food có rất nhiều cơ hội đầu tư lớn để mô hình nuôi tôm bền vững được lan tỏa trên toàn thế giới. Điều quan trọng nhất khiến các chuyên gia trong ngành tin tưởng vào cái đích bền vững không xa của ngành tôm đó là công nghệ và sản phẩm đáng tin cậy và được đầu tư đúng hướng thị trường.
>> Trang trại nuôi tôm Zhongshan, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc là một trong những trại nuôi tôm nước ngọt lớn nhất thế giới theo công nghệ xanh và bền vững. Đây là dự án nuôi khép kín, từ tôm giống đến tôm thương phẩm trên tổng diện tích 247 ha gồm trại nuôi, vườn cây ăn trái, rau, cơ sở nghiên cứu, văn phòng, nhà ở cho nhân viên. Trại tôm giống có thể sản xuất 120.000 cặp tôm bố mẹ/năm. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn