Năm 2007, ông Thịnh quyết định chọn nuôi lươn vì có giá trị kinh tế rất cao. Lúc đầu, ông nuôi trong bể xi măng nhưng liên tục thất bại, hàng chục triệu đồng dành dụm cũng tiêu tan. Không nản lòng, ông tiếp tục dành dụm tiền mua lươn giống về thử nghiệm nuôi tiếp. Sau thời gian dài nghiên cứu, đến năm 2013, ông nghĩ ra cách nuôi lươn trong can nhựa để vào môi trường nước tự nhiên.
Ông Thịnh sử dụng can nhựa loại 30 lít, sau đó đục nhiều lỗ xung quanh với 2 kích cỡ là 10 mm và 6 mm, dùng cho 2 cỡ lươn giống, các lỗ này có tác dụng cung cấp ô xy để lươn sống đồng thời thải loại thức ăn dư thừa, chất dơ trong can. Sau đó, ông xỏ một số thanh tre ngang can để lươn quấn vào ăn và nghỉ.
Ông Thịnh kiểm tra lươn giống - Ảnh: Nguyên Đạt
Các can nhựa được thả xuống ao, treo cố định vào một khung tre hình chữ nhật, khung tre cách mặt nước khoảng 40 - 50 cm, các can nuôi lươn cách mặt nước từ 20 - 30 cm. Đặc biệt, ông thiết kế một túi vải xung quanh có khoét nhiều lỗ rồi để thức ăn vào đó. Túi này được xỏ dây cố định ở nắp can, khi đói lươn sẽ tự rỉa thức ăn trong túi, tiết kiệm được lượng thức ăn bị trôi ra bên ngoài.
“Cái túi này coi đơn giản vậy chứ rất lợi hại, quyết định sự thành công. Bởi vì thông qua lượng thức ăn khi để vào sau đó kiểm tra còn nhiều hay ít sẽ biết được sức khỏe lươn thế nào mà chăm sóc”, ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, cỡ lươn giống từ 30 - 40 con/kg, thức ăn nuôi lươn là hỗn hợp thịt ốc xay nhuyễn trộn với thức ăn viên nuôi cá, cám chỉ cho ăn 1 lần/ngày vào buổi chiều. Trung bình 1 can nhựa sẽ nuôi được khoảng 1 kg lươn giống và sau 8 tháng đạt trọng lượng từ 300 - 400 gr/con là thu hoạch. Khi xuất bán, 1 can nhựa có thể đạt từ 14 - 15 kg lươn thịt, lời hơn 1 triệu đồng.
Ông Thịnh chia sẻ: “Với cách nuôi này, người nuôi không cần phải thay nước cho lươn nên đỡ tốn công chăm sóc, đỡ tốn thức ăn và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, lươn phát triển tự nhiên, có màu vàng và bóng, gần như không hao hụt trong quá trình nuôi”. Vụ lươn vừa rồi, với 24 can nhựa, ông Thịnh thu hoạch được 310 kg lươn thương phẩm, với giá bán trung bình 160.000 đồng/kg, lời gần 30 triệu đồng. Hiện ông Thịnh đang chuẩn bị 40 can nhựa để nuôi vụ lươn mới.
Theo ông Thịnh, còn một yếu tố rất quan trọng quyết định thành công của cách nuôi này là thuần lươn giống trước khi đưa vào can nuôi. Ông sử dụng những cây thuốc nam do ông tự nghiên cứu và thực hiện. Vì thế, ngoài nuôi lươn thương phẩm, ông Thuận còn thuần dưỡng lươn giống để cung cấp đi khắp các tỉnh thành trong cả nước. Ai có nhu cầu lươn giống chỉ cần điện thoại đến đặt hàng ông sẽ tìm nguồn trong tự nhiên thông qua đầu mối ở các chợ nông thôn rồi gom về, phân cỡ thuần dưỡng và giao cho khách. Với cách làm này, có tháng ông Thịnh giao cho khách hơn 300 kg lươn giống với giá từ 170.000 - 220.000 đồng/kg tùy kích cỡ.
“Vì lươn giống tôi gom từ tự nhiên nên nhiều kích cỡ, rồi cách đánh bắt khác nhau. Do đó, việc thuần dưỡng trước khi nuôi rất quan trọng, khi đã thuần dưỡng xong giao cho khách coi như người nuôi sẽ đảm bảo thành công. Ngoài ra, tôi còn đến tận nơi hoặc có thể thông qua điện thoại tư vấn, hướng dẫn cách nuôi để làm thế nào giúp bà con nuôi đạt hiệu quả cao nhất”, ông Thịnh nói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn