Đàn bò sữa trị giá hàng trăm triệu đồng của gia đình anh Văn
Bò sữa “đẻ” ra tiền
Dứt tay cho bò ăn, mấy giọt mồ hôi còn lăn dài trên trán, anh Chu Quang Văn ở thôn Hà Tân, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, vừa hối vợ pha nước vừa vui vẻ chia sẻ với chúng tôi về “sự nghiệp” phát triển kinh tế gia đình.
Bằng giọng nói vừa tự hào nhưng cũng không thiếu phần hồn hậu, chất phác anh Văn kể: “Nghiệp nuôi bò sữa của gia đình bắt đầu từ năm 2001, khi ấy trong thôn chẳng mấy người nuôi. Bán hai con bò thịt được vài triệu đồng, tôi bàn với vợ vay thêm 3 triệu đồng ở Phòng Giao dịch Tản Lĩnh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) để mua hai con bò sữa”.
“Kinh nghiệm chăn nuôi không có, đành phải tự mò mẫm thậm chí là xuống Trung tâm Trung tâm nghiên cứu Bò và đồng cỏ Ba Vì chơi rồi học lỏm cách chăm bò. Cứ thế, vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm, khi thấy mấy con bò mua ban đầu sống khỏe, tăng trưởng bình thường, tôi lại bàn với vợ vay thêm tiền để phát triển đàn bò”, anh Văn chia sẻ.
Thấy gia đình anh Văn làm ăn có hiệu quả, nhiều gia đình trong xã cũng học hỏi làm theo. Đàn bò sữa phát triển nhanh, cung cấp một lượng sữa tương đối lớn. “Ý tưởng xây dựng trạm thu mua sữa tươi ngay lập tức nảy ra trong đầu. Nắm bắt cơ hội, vợ chồng tôi lại mạnh dạn gõ cửa Agribank Tản Lĩnh để tiếp tục vay vốn. Tổng số tiền vay lên tới 400 triệu đồng, gấp nhiều lần so với số vốn ngày khởi nghiệp”, anh Văn nói.
Cơ ngơi khang trang mới được vợ chồng anh Văn xây cất năm 2014
Với quyết tâm làm giàu, không ngại khó, ngại khổ, cộng với sự hỗ trợ nhiệt tình của Agribank Tản Lĩnh, vợ chồng anh đã có trong tay cơ nghiệp là đàn bò sữa 19 con bò sữa, 11 con bê thịt và 1 trại thu mua sữa. Theo cách tính “sơ sơ” của anh Văn thì tổng giá trị của “khối tài sản” nói trên vào khoảng 2 tỷ đồng. Cũng từ đàn bò sữa, năm 2014, vợ chồng anh Văn dựng ngôi nhà 2 tầng khang trang, rộng rãi với chi phí khoảng 2 tỷ đồng. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, hiện anh Văn còn hỗ trợ nhiều gia đình tham gia nuôi bò sữa cũng như tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Nhìn lại chặng đường gần 15 năm qua, anh Văn chia sẻ thêm: “Trong từng đó năm, cũng có thời điểm việc chăn nuôi bò gặp phải sóng gió, tưởng chừng phá sản. Tuy nhiên, nhờ được Agribank hỗ trợ lãi suất trong vòng 18 tháng, nên vợ chồng tôi có cơ hội để vực lại. Sau đó công việc làm ăn trở lại ổn định và số vốn vay cũng được hoàn trả đầy đủ cho ngân hàng”.
Ông “vua” đà điểu
Cũng khởi nghiệp với nghề chăn nuôi, tuy nhiên vợ chồng anh Nguyễn Văn Trung và chị Phùng Thị Chính ở thôn Tam Mỹ, xã Tản Lĩnh phải mất một thời gian dài mới có thể lựa chọn được hướng đi. Anh Trung kể: “Lăn lộn với đủ nghề từ nuôi bò sữa, đến nuôi lợn nái cộc đuôi, cho đến năm 2007, gia đình tôi mới bén duyên với việc chăn nuôi đà điểu”.
Dành nhiều công sức nghiên cứu, mày mò, anh Trung nhận ra rằng, mặc dù còn khá xa lạ với người dân vùng núi Ba Vì, nhưng con đà điểu chính là hướng đi thích hợp có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Việc xây dựng chuồng trại không quá tốn kém, cách nuôi đơn giản, thức ăn chỉ cần kết hợp cám và cỏ phay nhỏ. Trong khi đà điểu là giống vật nuôi ít bệnh, không sợ chết hàng loạt khi có dịch. Tuy nhiên, giá mỗi con đà điểu giống khá cao, vào khoảng 2,7 triệu đồng. Tính toán kỹ càng, tôi quyết định làm hồ sơ vay 50 triệu đồng tại Phòng giao dịch Agribank Tản Lĩnh để bắt tay nuôi đà điểu. Nghe tôi trình bày, cán bộ của phòng giao dịch hết sức ủng hộ, chính vì vậy số vốn tôi cần tới được giải ngân nhanh chóng”, anh Trung say sưa nói.
Trang trại của anh Trung hiện là một nguồn cung thịt đà điểu lớn cho thị trường Thủ đô
Với khoản vốn đi vay cùng số tiền tích góp, anh Trung gây đàn với 50 con giống mua từ Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương. Đến năm 2008, thấy khả năng có thể phát triển được đàn đà điểu, anh Trung lại vay vốn đầu tư, nâng đàn đà điểu lên thành 70 con. Mặc dù đà điểu phát triển rất tốt, nhưng đầu ra sản phẩm lại gặp khó khăn chồng chất do bị ép giá. Không chịu bó tay, sau nhiều ngày suy nghĩ, thấy rằng phải tự tạo ra thị trường, anh Trung quyết định mở cửa hàng bán thị đà điểu để có thể tự chủ động bao tiêu sản phẩm.
Việc mở cửa hàng không chỉ giúp đảo được nước cờ bí, lượng đà điểu cung cấp qua cửa hàng lại bị thiếu trước sức tiêu thụ mạnh mẽ. Anh Trung phải lặn lội tìm nguồn cung cả ở các tỉnh phía Nam. Không thể thụ động chờ nguồn hàng, anh Trung quyết định chuyển giao giống và kỹ thuật chăn nuôi đà điểu cho bà con trong vùng vừa để xây dựng nguồn sản phẩm tại chỗ cũng vừa đem lại một khoản thu nhập đáng kể.
Anh Trung cho biết: “Với giá 300 nghìn đồng/kg, so với thu nhập của người dân địa phương thì hơi cao, nhưng với khách hàng ở khu vực nội thành Hà Nội và các tỉnh lân cận thì có thể chấp nhận được. Thông qua cửa hàng, mỗi năm gia đình tôi cung cấp cho thị trường 40-50 tấn thịt đà điểu thu về 12-15 tỷ đồng”.
theo anninhthudo
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn