Sinh năm 1973, anh Tâm sớm mồ côi cha. Năm lên 10, anh phải nghỉ học. 9 năm rong ruổi từ Phan Rang-Tháp Chàm đến Thuận Bắc, lên Đà Lạt và làm đủ nghề từ giúp việc, chăn bò thuê, đi phụ xe… Năm 1992, với 700 ngàn đồng có được từ việc bán cặp lốp ôtô cũ mà chủ nhà xe tặng “làm vốn” trước khi nghỉ việc, anh chọn Mỹ Sơn là nơi dừng chân lập nghiệp bằng nghề đóng móng bò.
Hai năm sau, khi có 20 triệu đồng trong tay, anh vay thêm 20 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn rồi bắt tay vào nghề chăn nuôi gia súc có sừng. Năm 1996, đàn bò của anh là 28 con. Từ đó, anh tập trung mở rộng chăn nuôi bò và phát triển đàn dê, cừu. Nhờ có kinh nghiệm từ những ngày chăn bò thuê nên việc phát triển chăn nuôi bò của anh khá thuận lợi. Cùng với việc phát triển chăn nuôi, anh còn buôn bán bò thịt, bò giống để vỗ béo và sinh sản. Đến nay, đàn bò của anh luôn dao động từ 130 - 170 con; đàn dê, cừu 300 con.
Để có đất trồng cỏ và thả rong đàn bò, anh khai hoang và mua đất của bà con quanh vùng. Đến nay, anh có khoảng 30ha đất. Trong đó, anh trồng 20 ha xà cừ để làm nơi chăn thả đàn bò, 7ha mía, còn lại trồng cỏ xen lẫn với xoài và dừa. Vì được đầu tư hệ thống bơm nước dài hơn 1 km từ sông Dinh lên để tưới tiêu nên những ngày hạn hán vừa qua, cánh đồng cỏ vẫn xanh mướt. Nhờ vậy, đàn bò của gia đình anh con nào cũng mập mạp, căng tròn.
Không chỉ có vậy, năm 1996, khi đàn bò địa phương khá nhiều, nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, anh quay sang mổ bò và đem ra chợ tiêu thụ. Ban đầu, mỗi ngày chỉ mổ 1 con. Đến nay, khi thị trường tiêu thu mạnh, mỗi đêm gia đình anh mổ 4 - 5 con bò. Vừa qua, nhờ nguồn hỗ trợ của Quỹ Tài trợ cạnh tranh doanh nghiệp thuộc Dự án Hỗ trợ Tam Nông, anh đầu tư trên 700 triệu đồng xây dựng lò mổ đạt chuẩn nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh, nâng cao chất lượng sản phẩm. Thời điểm này, anh đang gấp rút chuẩn bị hoàn tất hồ sơ, thủ tục để đăng ký xây dựng thương hiệu “Bò núi Ông Tý” nhằm quảng bá sản phẩm bò núi Ninh Sơn đến với thị trường, mang lại cho người tiêu dùng nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo chất lượng và có xuất xứ rõ ràng.
Nhìn vào trang trại bề thế ấy, ai cũng ngỡ ngàng trước sức vóc của một chàng trai khởi nghiệp từ nghề đóng móng bò. Vươn lên từ gian khó, hiểu được nỗi khổ của người nghèo nên anh đã cho nhiều hộ nghèo và cận nghèo trong xã nhận bò về nuôi vỗ béo rồi bán lại cho anh với mức giá thị trường. Tùy điều kiện mỗi hộ, anh cho nhận nuôi từ 1-2 con. Các vấn đề về kỹ thuật chăm sóc, thú y, anh chịu trách nhiệm. Trong quá trình chăn nuôi, nếu không may xảy ra rủi ro do yếu tố khách quan, anh và bà con đôi bên cùng chia sẻ. Như vậy, chẳng cần đồng vốn nào, cũng chẳng phải lo lãi suất, các hộ có trong tay 2 con bò, sau 6 tháng chăn nuôi sẽ cho thu lãi từ 15 - 20 triệu đồng. Cứ như thế, trong 9 năm qua, anh đã giúp đỡ thường xuyên cho hơn 40 hộ gia đình, với gần 150 lượt giao nhận bò, trao cho họ cơ hội vươn lên ổn định cuộc sống.
Anh Phạm Duy Vũ, thôn Phú Thuận, cho biết: Vợ tôi sức khỏe yếu không làm được gì, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Năm 2013, được anh Tâm giúp đỡ, tôi nhận 2 con bò về nuôi vỗ béo. 6 tháng sau, khi bán bò, tôi thu lãi hơn 15 triệu đồng và dùng số tiền đó để mua bò sinh sản từ anh Tâm, thiếu bao nhiêu anh cho nợ mà không tính lãi. Đến nay, qua ba đợt nhận nuôi, gia đình đã có 3 bò cái và đẻ được 2 con bê. Tôi thật sự mang ơn anh Tâm.
Đặc biệt, nhờ chuỗi quy trình khép kín từ cung cấp giống đến bao tiêu sản phẩm, giảm bớt khâu trung gian qua thương lái nên mỗi con bò bán ra, các hộ dân nơi đây hưởng được chênh lệch cả triệu đồng. Từ việc chăn nuôi gia súc và kinh doanh giết mổ, anh đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 20 lao động trong vùng với mức lương từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Sơn, chia sẻ: Không chỉ là tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi, việc hỗ trợ con giống trong chăn nuôi của anh Tâm còn giúp cho nhiều gia đình, hội viên có cơ sở ban đầu để phát triển kinh tế, góp phần vào sự phát triển vững mạnh của Hội.
“Những ngày đi làm thuê, tôi ước ao sau này sẽ có một trang trại bò để làm giàu và giúp đỡ người nghèo khổ. Giờ đây, tôi cảm thấy khá hài lòng với sự cố gắng của mình. Có lẽ do mình cần cù, chịu khó nên ông trời chẳng phụ công”-đó là lời tâm sự đầy khiêm tốn của ông chủ trại bò với cơ ngơi nhiều tỷ đồng. Hy vọng rằng, bên cạnh sự thành công về khát vọng vươn lên làm giàu và giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, thì một ngày gần đây, thương hiệu “Bò núi Ông Tý” của anh Tâm sẽ trở thành đặc sản của ngành chăn nuôi tỉnh nhà.
Nguồn: báo ninh thuận
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn