Đường thôn Dộc Éo, xã An Phú (huyện Mỹ Đức) giờ đã được đổ bê tông tới hầu hết các hộ trong làng. Dộc Éo có 37 hộ, đều là người dân tộc Mường, mỗi nhà ở một quả đồi, một thung ruộng khác nhau.
Đất nghèo. Nhiều lao động trẻ rời quê ra phố. Nhưng ở đâu cũng vậy, làm giàu không dễ. Rồi không ít trở lại. Một trong số đó là Quách Đức Tuyên, chủ trang trại gà đồi lớn nhất thôn với quy mô trên 4.000 con/lứa cùng với lợn rừng, lợn mán… Sinh năm 1984, học Trung cấp Dược, rồi đi bộ đội, làm việc cho nhiều doanh nghiệp ở thành phố nhưng thu nhập chỉ đủ nuôi thân, cách đây 2 năm, Tuyên vác ba lô về quê. Vay mượn vốn của người thân, của Ngân hàng Chính sách xã hội, sau 2 năm làm cật lực, trang trại đã có quy mô như hôm nay. Tuyên bảo, không thể làm ăn cái kiểu được chăng hay chớ mà phải tìm kiếm thị trường. Có hàng tốt, hàng ngon, phải mang đi chào mời chứ không ngồi chờ thương lái đến ép giá. Dịp tết Nguyên đán này, Tuyên dự kiến thu 700 - 800 triệu đồng từ gà đồi, chưa kể các khoản thu từ lợn mán, lợn rừng. Được hỏi lý do bỏ phố về quê làm trang trại, Tuyên cười: Ở nông thôn, khó khăn tứ bề nhưng đất đai rộng. Giờ, thanh niên ở nông thôn cũng chẳng thiếu thông tin, vì thế về quê không phải là lựa chọn cực chẳng đã.
Cũng giống Tuyên, anh Man Văn Thường, Thôn Chóng, xã Yên Bài (Ba Vì), sinh năm 1981, trong gia đình làm nông khó khăn, cũng không ít lần ôm mộng "thoát ly" nhưng rồi đã chọn ở lại quê. Học qua sách báo, truyền hình, qua các lớp đào tạo nghề ở nông thôn mà anh đã nắm được kỹ thuật chăn nuôi bò sữa. Năm 2009, anh Thường thế chấp đất, vay vốn đầu tư nuôi bò sữa với khởi điểm là 8 con. Nhờ tuân thủ đúng quy trình chăn nuôi, ngay năm đầu tiên, đàn bò đã cho thu lãi từ bán sữa và bán bê con 320 triệu đồng. Có lãi, năm 2010 anh tiếp tục mạnh dạn vay thêm vốn, mở rộng quy mô trang trại theo tiêu chuẩn để kết hợp với doanh nghiệp nuôi gà công nghiệp theo hình thức "chăn nuôi gia công". Trung bình thời gian nuôi 50 ngày/lứa, lãi bình quân thu về được 60 triệu đồng/lứa. Một năm, anh thu lãi từ chăn nuôi gà hơn 300 triệu đồng. Nuôi gà nhàn hơn bò sữa nên năm 2013, anh Thường đã bán đàn bò sữa và thuê thêm một trang trại để mở rộng chăn nuôi gia công. Hiện nay, gia đình anh đang duy trì 2 trang trại nuôi gà công nghiệp với tổng số 16.000 con. Phát triển mô hình chăn nuôi trang trại này, anh Thường cũng tạo việc làm và giúp đỡ 6 lao động địa phương có thu nhập ổn định.
5 năm qua, từ khởi điểm là hai bàn tay trắng, với ý chí vươn lên làm giàu, anh Man Văn Thường đã thu về hơn 1,8 tỷ đồng tiền lãi từ nuôi bò sữa và nuôi gà công nghiệp. 4 năm liền, gia đình anh được công nhận là hộ sản xuất - kinh doanh giỏi cấp huyện, cá nhân anh được công nhận là Nông dân điển hình tiên tiến cấp thành phố giai đoạn 2010 - 2015.
Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Trịnh Thế Khiết:
Thời gian qua, rất nhiều nông dân trẻ được học hành bài bản, nhiều người còn có cả bằng thạc sĩ, nhưng không bám trụ ở phố mà quay về quê lập nghiệp. Các mô hình của những nông dân trẻ này được đầu tư bài bản. Nếu ở các vùng khó khăn như An Phú (Mỹ Đức), 7 xã miền núi Ba Vì, các xã Tiến Xuân, Yên Bình (Thạch Thất)… mà có thêm nhiều thanh niên trẻ tích cực làm giàu trên quê hương thì chính họ là hạt nhân, nòng cốt quan trọng để làng quê phát triển.
Sơn Tùng
theo Hà Nội Mới
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn