Quyền thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và tài nguyên nước của Úc đã bày tỏ ủng hộ đề xuất tạo thuận lợi cho Việt Nam sớm xuất khẩu tôm tươi nguyên con và trái thanh long vào nước này.
Thanh long sẽ có cơ hội vào thị trường Úc khó tính. Ảnh: Quế Hà
Ngày 25.7, trong khuôn khổ chuyến thăm Úc, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã hội đàm với Quyền thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và tài nguyên nước của Úc, ông Barnaby Joyce; làm việc với Bộ trưởng Bộ Thương mại Steven Ciobo bàn về kế hoạch hợp tác, đầu tư giữa hai quốc gia trong thời gian tới.
Ông Banarby Joyce và Bộ trưởng Thương mại Steven Ciobo khẳng định, Úc sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam để hỗ trợ các mặt hàng trái cây nhiệt đới, tôm nguyên liệu không qua chế biến đáp ứng điều kiện nhập khẩu vào Úc.
Trước đó, trong năm 2015, kim ngạch xuất khẩu tôm (qua chế biến) của Việt Nam vào Úc chiếm khoảng 32,2% thị phần nhập khẩu tôm của nước này. Tuy nhiên, mặt hàng tôm nguyên liệu chưa qua chế biến làm gia tăng giá trị cho doanh nghiệp Việt Nam chưa được phía bạn cấp phép nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đánh giá, việc phía Úc khẳng định hỗ trợ tôm tươi nguyên con, các sản phẩm tôm qua chế biến đáp ứng điều kiện nhập khẩu vào đây, sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp nuôi, chế biến tôm xuất khẩu và bà con nông dân Việt Nam.
Với trái cây, Quyền thủ tướng Úc và Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng đồng tình với đề nghị của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về việc hỗ trợ trái thanh long của Việt Nam đủ điều kiện nhập khẩu vào Úc ngay trong năm 2017. Nếu được cấp phép, Việt Nam sẽ là nước đầu tiên và duy nhất cho tới thời điểm hiện nay được cấp phép nhập khẩu thanh long vào thị trường này. Ngoài ra, phía Úc cũng bày tỏ quan tâm hỗ trợ Việt Nam xuất khẩu nhãn, vú sữa, chôm chôm và chanh dây trong thời gian tới.
Hai bên cũng khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư sâu rộng hơn nữa, nâng cao kim ngạch thương mại hai chiều hiện khoảng hơn 5 tỉ USD/năm lên nữa, trong đó tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực hai bên có lợi thế bổ sung cho nhau như: nông nghiệp, giáo dục, hạ tầng cơ sở, công nghệ sáng tạo.
Hai bên cũng nhất trí tham vấn và trao đổi thông tin nhằm từng bước dỡ bỏ rào cản thương mại đối với các sản phẩm nông sản, thủy sản; thúc đẩy liên doanh, liên hết, hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng, tạo ra giá trị gia tăng cao đối với các sản phẩm nông nghiệp, qua đó góp phần vào việc nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân hai nước.
Chí Hiếu (Báo Thanh Niên)