Với ưu điểm dễ trồng, dễ bán, có khả năng thích nghi tốt với các điều kiện địa phương và cho thu hoạch kéo dài nên nhiều nông dân ở xã Tân Quới, huyện Bình Tân đã chọn bồ ngót làm đối tượng canh tác thay thế cho những loại rau màu truyền thống tại địa phương. Và nhờ mô hình trồng bồ ngót mà ông Nguyễn Thành Long, ở ấp Tân Thuận, xã Tân Quới, huyện Bình Tân có nguồn thu nhập khá ổn định. Sau nhiều năm canh tác hành lá, thấy giá cả thường bấp bênh nên ông quyết định chuyển 1.400 m2 đất trồng hành lá sang trồng rau bồ ngót. Sau hơn 3 tháng trồng, bồ ngót của ông bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên. Đến nay, vườn rau bồ ngót của ông đã được 2 năm tuổi, cho 12 lần thu hoạch, với giá từ 6.000 - 15.000 đồng/kg tuỳ thời điểm, sau trừ hết chi phí gia đình ông còn lợi nhuận gần 300 triệu đồng.
Gần đó, cũng có nhiều nông dân thấy được hiệu quả của mô hình cũng đã từng bước chuyển đổi đất trồng các loại rau màu khác sang trồng bồ ngót và mang lại hiệu quả kinh tế khá. Theo một số nông dân thì bồ ngót rất dễ trồng, thời gian thu hoạch kéo dài, có thể chia thành nhiều đợt và đặc biệt là rất ít sâu bệnh nên việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật rất hạn chế, trung bình 45 ngày phun thuốc trừ sâu 01 - 02 lần với liều theo khuyến cáo của nhà sản xuất vì nếu sử dụng liều cao thì cây sẽ bị héo đọt, ảnh hưởng đến năng suất. Sau mỗi đợt thu hoạch chỉ cần bón phân NPK với liều lượng 50kg/1.000 m2 và tưới nước đầy đủ là được. Khi thấy cây bồ ngót già cỗi thì có thể tiến hành nhổ bỏ và trồng cây mới để tiến hành thu hoạch tiếp tục.
Từ hiệu quả của mô hình trồng bồ ngót, đến nay bà con nông dân trong huyện Bình Tân đã trồng được khoảng 20 ha, tập trung chủ yếu ở xã Tân Quới. Tuy nhiên, cũng như nhiều loại rau màu khác, trước khi trồng bồ ngót bà con nông dân nên tính đến nhu cầu của thị trường, tránh trường hợp cung vượt quá cầu sẽ ảnh hưởng đến giá cả và thu nhập của nông dân.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn