Mấy năm trở lại đây, trên địa bàn xã Cao Phong (Sông Lô), chăn nuôi bò thịt phát triển mạnh và trở thành hướng làm giàu mới của người dân. Nhiều hộ không còn nuôi theo phương thức chăn thả truyền thống mà mạnh dạn mua bò trưởng thành về vỗ béo để xuất bán. Toàn xã hiện có khoảng 400 hộ dân chăn nuôi bò thịt, trong đó có 40 hộ chăn nuôi với quy mô từ 10 - 30 con/hộ. Tuy nhiên, việc nuôi vỗ béo của người dân mới chỉ dừng ở kinh nghiệm là chính, mức độ áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình chăn nuôi còn hạn chế vì vậy tốc độ tăng trọng thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, lợi nhuận vì thế cũng không đạt như mong muốn. Bên cạnh đó, việc phát triển mạnh chăn nuôi bò không có kiểm soát, kiến thức về các quy trình an toàn dịch bệnh còn chưa đầy đủ dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh, khiến người chăn nuôi trắng tay, nhất là những hộ chăn nuôi quy mô lớn.
Nhằm khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi vỗ béo bò thịt tăng thu nhập cho gia đình, năm 2015, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư Vĩnh Phúc phối hợp với xã Cao Phong xây dựng mô hình vỗ béo bò thịt theo hướng an toàn sinh học. Mô hình được triển khai từ tháng 8 - 12/2015, với quy mô 50 con/3 hộ. Khi tham gia mô hình người dân được hỗ trợ 30% thức ăn hỗn hợp và 30% thuốc thú y. Bò đưa vào nuôi vỗ béo là các bò cái, bò đực, thuần hoặc lai, không sử dụng vào mục đích sinh sản, cày kéo; bò sữa loại thải; bò gầy do thiếu dinh dưỡng, bò hướng thịt hết giai đoạn nuôi lớn, bê nuôi hướng thịt. Trước khi đưa vào vỗ béo bò được tiêm phòng và tiêm thuốc tẩy nội, ngoại ký sinh trùng theo quy định. Chuồng trại, máng ăn, máng uống, môi trường xung quanh được vệ sinh sạch sẽ, định kỳ dùng vôi bột, nước vôi, dung dịch tẩy uế chuồng trại, phân bò được xử lý bằng hầm Biogas để bảo vệ môi trường và tận dụng khí gas. Thức ăn dùng vỗ béo bò bao gồm: Cám công nghiệp, các loại cỏ, thức ăn ủ chua, phụ phẩm nông nghiệp để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế. Sau gần 4 tháng nuôi, trung bình mỗi con bò tăng trọng khoảng 50 - 60kg, trừ chi phí người chăn nuôi có lợi nhuận trên 2 triệu đồng/con. Từ hiệu quả kinh tế trên, năm 2016, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đã mở rộng quy mô của mô hình lên 15 hộ, tổng số 100 con bò, trên địa bàn xã Cao Phong (Sông Lô) và An Tường (Vĩnh Tường), nhiều hộ gia đình đã chủ động mua thêm bò với số lượng từ 5 - 10 con và chỉ xin hỗ trợ về phòng bệnh, hướng dẫn quy trình chăm sóc. Ngoài ra, với sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Quốc gia, mô hình tiếp tục được triển thêm ở hai xã Bạch Lưu, Hải Lựu (Sông Lô) với quy mô 350 con/100hộ. Hiện nay 100% đàn bò của các hộ tham gai mô hình năm 2016 đều sinh trưởng, phát triển tốt, tăng trọng nhanh.
Trước đó, mô hình vỗ béo bò thịt trong nông hộ đã được triển khai thành công ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Sông Lô và được nhân rộng ra một số xã thuộc huyện Lập Thạch, Vĩnh Tường, Tam Dương... Là người nuôi bò thịt từ năm 2008, ông Đào Văn Lê, thôn Cam Giá, xã An Tường (Vĩnh Tường) chia sẻ: Trước đây, tôi chủ yếu mua bò về rồi nuôi nhốt một vài tuần để bán, không am hiểu lắm về kỹ thuật nuôi vỗ béo nên đàn bò tăng cân chậm, hiệu quả kinh tế không cao. Kể từ khi tham gia mô hình vỗ béo bò thịt trong nông hộ do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, chúng tôi thường xuyên được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật lựa chọn bò giống, phòng trừ dịch bệnh, áp dụng quy trình vỗ béo nhanh đảm bảo an toàn sinh học, do vậy đàn bò tăng trọng nhanh, hình thức đẹp, chất lượng thịt được nhiều thương lái đánh giá cao, do vậy hiệu quả kinh tế hơn hẳn trước đây. Hiện nay, trung bình mỗi đợt khoảng 3 tháng gia đình tôi nuôi 10 con bò, thu nhập trung bình đạt hơn 6 triệu đồng/tháng.
Anh Hoàng Huy, Phó Phòng Chuyển giao Tiến bộ kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh cho biết: Vỗ béo bò thịt trong nông hộ đã được các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh triển khai từ rất lâu. Tuy nhiên, việc chăn nuôi của các hộ chủ yếu theo kinh nghiệm và chưa có một quy trình thống nhất, do vậy chất lượng sản phẩm không cao, tăng trọng thấp, hiệu quả kinh tế không được như mong muốn. Mô hình vỗ béo bò thịt trong nông hộ được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh triển khai với một quy trình khoa học từ khâu chọn giống, phòng trừ dịch bệnh, chế độ dinh dưỡng, tận dụng các thức ăn là phụ phẩm trong nông nghiệp do đó hiệu quả kinh tế đem lại cao, được nhiều người chăn nuôi trên địa bàn áp dụng.
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình trên cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tăng thu nhập cho người dân.
Theo Báo Vĩnh Phúc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn