Thu nhập bình quân của xã Trúc Lâu đạt gần 27 triệu đồng/người.
Năm 2011, bước vào xây dựng nông thôn mới, xác định những thuận lợi, khó khăn của địa phương, với quan điểm “dễ làm trước, khó làm sau”, chính quyền xã Trúc Lâu đã tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác “dân vận khéo” gắn với phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và huy động các nguồn lực xã hội tham gia.
Trên cơ sở quy hoạch, Trúc Lâu tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, tạo động lực cho xây dựng nông thôn mới với phương châm “lấy sức dân để lo cho dân”; lựa chọn những dự án phù hợp với khả năng kinh phí và nhu cầu của người dân; tổ chức khảo sát cụ thể từng tuyến đường, xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp, sửa chữa; phân khai nguồn vốn đầu tư hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã và huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Nhờ thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”, chất lượng các công trình đều đảm bảo, đạt tiêu chuẩn theo quy định của tiêu chí nông thôn mới… Xã đã có nhiều cách làm hay trong thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông, điển hình như tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp tiền, ngày công, hiến đất để mở rộng và nâng cấp các tuyến đường.
Từ năm 2011 đến nay, toàn xã có 113 hộ hiến trên 6.700m2 đất, nhân dân tích cực đóng góp tiền và ngày công để làm đường. Nhờ đó, đến nay, gần 70% đường giao thông thôn, bản của xã đã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, phát triển kinh tế của người dân. Điển hình như nhân dân thôn Tu Trạng có 64 hộ hiến 300m2 đất nông nghiệp làm đường trục chính giao thông nội đồng với chiều dài gần 1km và hàng trăm ngày công lao động. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, thôn tổ chức vận động các hộ dân đóng góp tiền mặt mỗi hộ 1 triệu đồng, hiến đất vườn, ngày công lao động để làm mới nhà văn hóa thôn với tổng diện tích 500m2.
Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách các thôn, tiêu chí để chủ động công tác chỉ đạo, điều hành; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, kịp thời phản ánh và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, cho Ban chỉ đạo và Ban quản lý tháo gỡ, tạo không khí sôi nổi và sự quan tâm của người dân với chương trình.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đến nay, tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh trên địa bàn xã đạt trên 97%, hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt gần 73%, tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường đạt trên 61%.
Sau hơn 6 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của Trúc Lâu thay đổi căn bản; cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng và cải tạo khang trang; đường làng, ngõ xóm, cảnh quan môi trường xanh- sạch- đẹp. Quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết. Người dân thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm, đây là tiền đề vững chắc để địa phương duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Ông Nguyễn Quốc Năm, Chủ tịch UBND xã Trúc Lâu, cho biết: Để giữ vững và phát huy kết quả đạt được cũng như phấn đấu sớm được tỉnh thẩm định và công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, Trúc Lâu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tăng cường công tác lãnh đạo một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung cho phát triển sản xuất như xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; nâng cấp kết cấu hạ tầng; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nâng cao chất lượng hoạt động trên các lĩnh vực..., góp phần giữ vững các tiêu chí nông thôn mới mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã đã nỗ lực đạt được.
Theo Khắc ĐiệpBáo KTNT.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn