Nhiều khó khăn...
Tham dự diễn đàn có lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG), lãnh đạo Cục Trồng trọt, lãnh đạo Sở NNPTNT Vĩnh Phúc, các chuyên gia Viện Nghiên cứu rau quả, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Viện Nghiên cứu ngô, Viện Bảo vệ thực vật, đại diện trung tâm khoa học và nông dân 7 tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Các chuyên gia trực tiếp giải đáp các băn khoăn của nông dân tại diễn đàn ngày 26.9. Ảnh: Phú Lãm
Giải đáp lo lắng của nông dân về thông tin cây ngô lai biến đổi gen gây ung thư, ông Lê Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Vĩnh Phúc khẳng định, ngô lai biến đổi gen đã được các bộ ngành đánh giá toàn diện, đây là giống ngô tốt, an toàn, hiệu quả kinh tế cao, bà con hoàn toàn yên tâm sản xuất. |
Ông Trần Văn Khởi - quyền Giám đốc TTKNQG phân tích, đồng bằng sông Hồng là vùng trọng điểm sản xuất cây vụ đông của miền Bắc, có năng suất, chất lượng cao không những phục vụ nhu cầu trong nước mà còn cho xuất khẩu.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) vụ đông năm 2016, các tỉnh miền Bắc gieo trồng được khoảng 400.000ha các loại cây trồng, tổng sản lượng đạt 4,5 triệu tấn, tổng giá trị đạt 25.000 tỷ đồng. Giá trị cây vụ đông tăng dần qua các năm. Nhưng còn nhiều khó khăn như thời tiết bất thường, chi phí đầu vào cao, đầu ra không ổn định, hiệu quả chế biến thấp, cạnh tranh lao động với các ngành nghề khác ở đồng bằng sông Hồng rất gay gắt.
“Việc ứng dụng giống mới, tiến bộ khoa học, kỹ thuật là rất cần thiết. Diễn đàn là nơi cập nhật thông tin về hiện trạng, chính sách phát triển, chia sẻ kiến thức kỹ thuật cũng như những khó khăn tồn tại, giới thiệu những mô hình thành công, cùng người dân thảo luận, trao đổi với các nhà khoa học để sản xuất vụ phát triển mạnh” - ông Khởi nói.
Giới thiệu nhiều giống mới
Bà Ngô Thị Hạnh – Trưởng Bộ môn rau và cây gia vị- Viện Nghiên cứu rau quả thông tin: “Từ năm 2012 - 2016, viện đã nghiên cứu các giống cây trồng tiến bộ kỹ thuật mới có tiềm năng phát triển, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất vụ đông. Điển hình, giống cà chua GL1- 16 sinh trưởng 115-120 ngày, năng suất 55-60 tấn/ha, chống chịu tốt bệnh héo xanh vi khuẩn và xoăn vàng lá virus; ớt GL1- 10 sinh trưởng 110- 112 ngày, năng suất 28- 30 tấn/ha; cải làn GL1-11 sinh trưởng 80-105 ngày, thu 20-22 tấn/ha, có hàm lượng đường tổng số và vitamin C cao, thân mềm và ngọt sau khi chế biến” - bà Hạnh cho biết.
Đồng thời, Viện Nghiên cứu rau quả đã triển khai ứng dụng thành công các kỹ thuật mới: Ghép cà chua trên thân cà tím quy mô công nghiệp tại Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc, với kết quả năng suất tăng 15-20 tấn/ha; một số tiến bộ về canh tác, xây dựng mô hình sản xuất tạo sản phẩm an toàn theo chuỗi từ sản xuất đến người tiêu dùng; đưa một số giống và kỹ thuật canh tác hoa cảnh mới vào sản xuất…
Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm Nguyễn Văn Thắng, những năm qua diện tích sản xuất rau và sản lượng rau cả nước liên tục tăng. Riêng miền Bắc diện tích năm 2014 đạt 418,8 nghìn ha, sản lượng 6.408 tấn, năng suất đạt 161,6 tạ/ha. Trong đó, đồng bằng sông Hồng chiếm 45-50% tổng diện tích rau toàn miền Bắc.
Chuyên gia Nguyễn Văn Thắng đã giới thiệu một số giống mới năng suất cao: Bí xanh Thiên thanh 5 khả năng sinh trưởng tốt, thích nghi rộng, trồng được cả 2 vụ xuân hè, thu đông. Giống mới này sinh trưởng trong 120-125 ngày, năng suất 50-55 tấn/ha; đậu đũa cao sản VC2 sinh trưởng 85-90 ngày, năng suất 19-22 tấn/ ha…
Cũng tại diễn đàn, nhiều giống ngô mới năng suất rất cao như: VNUA16, VNUA69; Ngô nếp tím Anthocyanin sinh trưởng 75-80 ngày (năng suất 9-13 tấn/ha) được Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu ngô Đặng Ngọc Hạ giới thiệu.
Giải tỏa những băn khoăn của nông dân
Nhiều băn khoăn, vướng mắc kỹ thuật của nông dân được các chuyên gia giải đáp nhiệt tình. Câu hỏi của ông Nguyễn Văn Toàn (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) về thời gian trồng cây vụ đông được chuyên gia tư vấn: “Nhóm 1: Ngô, đậu tương, lạc trước mùng 10.10; khoai tây từ 10-15.11; nhóm rau, đậu (ưa lạnh) trồng sau 10.10”.
“Su hào, cà chua bị bệnh đốm lá thì xử lý thế nào?” – bà Nguyễn Thị Hòa (Nam Định) hỏi. “Năm nay, thời tiết mưa nhiều, phát sinh mầm bệnh, do đó, rau màu cần tưới ít. Sau những ngày nắng ráo phải phun thuốc ngừa bệnh sớm, chú ý thoát nước. Phải luân canh cây trồng, tránh trồng liên tục một loại cây trên 1 thửa ruộng trong nhiều vụ. Thị trường có nhiều loại chế phẩm sinh học an toàn, diệt bệnh hiệu quả” - chuyên gia tư vấn.
Theo Phú Lãm/Báo Dân Việt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn