“Vua” đẳng sâm Bhling Bríu truyền kinh nghiệm trồng và chăm sóc đẳng sâm cho người dân trong xã. Ảnh: XUÂN KHÁNH
Từ quan đến… “vua”
Đi qua những tháng năm làm cách mạng, sau ngày hòa bình thống nhất, với cái bụng nhiều chữ Bhling Bríu trở thành ông giáo vùng cao. Sau 8 năm miệt mài truyền cái chữ, kiến thức cho con trẻ vùng cao, ông được chuyển làm Chủ tịch UBND xã Ch’Ơm. Mười tám năm sau, ông chuyển qua làm công tác Đảng, giữ chức Bí thư Đảng ủy xã. Hết nhiệm kỳ 5 năm ấy, ông về hưu. Chặng đường giã từ áo quan để “mặc áo vua” với đẳng sâm của ông bắt đầu từ đấy.
Trước khi về hưu ông Bhling Bríu đã nghe nói đến đẳng sâm, nhưng công việc ở xã chiếm hết thời gian nên không có dịp tìm hiểu. Từ khi về hưu, sau nhiều trăn trở, năm 2012 ông quyết định nhập cuộc làm kinh tế với cây đẳng sâm. Điều thuận lợi là thời gian này, huyện Tây Giang, xã Ch’Ơm triển khai chương trình đưa đẳng sâm trở thành cây thoát nghèo và là nền tảng vươn lên làm giàu. Nắm bắt thời cơ, ông Bríu dành hết tâm huyết nghiên cứu, tìm hiểu về đẳng sâm. Sau khi đủ tự tin với vốn kiến thức về loại cây trồng này, cũng ngay trong năm 2012 ông sang Lào mua 5.000 cây giống về trồng trên diện tích một héc ta. “Khi huyện, xã đưa chủ trương về, bà con lúc này đã biết đến đẳng sâm, nhưng nghĩ đẳng sâm chỉ để ngâm rượu uống, không cho ra thóc nên không theo. Bà con còn tỏ ra e ngại giùm cho tôi khi bám với loại cây này. Điều đó càng khiến cho tôi quyết tâm làm và làm hiệu quả để bà con theo” - ông Bhling Bríu kể.
“Chính ông Bríu là người đi đầu, là người giúp đỡ nhân dân trong xã về mặt kinh nghiệm trồng cây đẳng sâm. Chúng tôi đang cùng ông vận động bà con mở rộng diện tích cây đẳng sâm theo hướng bền vững, để không chỉ thoát nghèo mà có thể vươn lên làm giàu bằng loài cây này”. (Ông Hồ Đắc Vinh - Chủ tịch UBND xã Ch’Ơm) |
Sau gần 2 năm, lứa thu hoạch đầu tiên rồi cũng đến. Bởi là lứa đầu tiên nên trừ chi phí đầu tư ban đầu nhiều nên ông Bhling Bríu chỉ thu lợi được hơn 6 triệu đồng. Nhưng số tiền đó cũng đã là mơ ước của hầu hết người dân Ch’Ơm. Bởi người dân Ch’Ơm vốn sống dựa vào nương rẫy, trời có thương thì cũng chỉ đủ ăn, không dư được. Thừa thắng xông lên, ông Bríu vay mượn tiền mở rộng thêm 3ha, và lần này ông cũng trực tiếp qua Lào chọn mua đẳng sâm giống. Đan xen giữa lứa đầu và lứa sau, lần thu hoạch thứ hai ông thu được 15 triệu đồng. Thấy ông Bríu làm hiệu quả, dân làng đồn nhau và bắt đầu theo trồng đẳng sâm. Năm 2014, với 4ha đẳng sâm, ông Bhling Bríu thu lợi 60 triệu đồng. Và chẳng biết từ khi nào, ông được người trong xã gọi là “vua” đẳng sâm. Đến bây giờ, ông Bríu vẫn đang ở ngôi “vua” với diện tích và thu nhập từ đẳng sâm lớn nhất xã Ch’Ơm. Ông bảo, hiện 4ha đẳng sâm đang trong giai đoạn to củ, dự tính mùa thu hoạch tới cho thu lãi ít nhất 60 triệu đồng. Ông cũng cho biết đang lên kế hoạch mở rộng thêm một héc ta diện tích trồng đẳng sâm.
Giúp nhau đuổi nghèo
Người dân Ch’Ơm phần lớn làm nương rẫy, cái nghèo lâu nay bám riết. Khi thấy Bhling Bríu đổi đời nhờ đẳng sâm, họ đã theo học hỏi và cũng dần dần vươn lên. Tơ Ngol Tơ (ở thôn Ré) không ngại ngần thổ lộ: “Hồi già Bríu mới trồng đẳng sâm, mình cứ nghĩ ông đi sai đường. Bởi làm sao hiệu quả khi trồng cây mà ít tưới nước, không bắt sâu, chỉ lâu lâu mới làm cỏ. Đến khi già Bríu bán củ đẳng sâm và được nhiều tiền hơn làm rẫy, mình mới hoàn toàn bị thuyết phục”. Cũng theo Tơ Ngol Tơ, sau khi được ông Bríu khuyến khích và giúp đỡ, năm 2013 anh đã đầu tư trồng một héc ta đẳng sâm. Chỉ sau gần 2 năm, đẳng sâm đã giúp gia đình anh Tơ Ngol Tơ thoát khỏi tình cảnh thiếu ăn triền miên và anh đang dự tính mở rộng thêm diện tích.
Cùng thôn với Tơ Ngol Tơ, gia đình chị Ría Thị Kiếu ban đầu cũng chẳng mấy mặn mà với đẳng sâm. Nhưng sau những lần được ông Bríu vận động, lại thấy thực sự mang lại hiệu quả kinh tế, chị quyết định đầu tư vào cây đẳng sâm. Mặc dù vẫn còn đang trong quá trình vừa trồng vừa học thêm kinh nghiệm từ Bhling Bríu, nhưng đẳng sâm đã phần nào giúp gia đình chị Kiếu ổn định hơn về kinh tế. “Ở xã này, không riêng gì mình, mà nhiều người biết ơn già Bríu lắm. Bởi già biết đi trước, biết làm giàu cho mình và tốt cái bụng khi giúp đỡ mọi người thoát nghèo” - Ría Thị Kiếu nói.
Hầu như ngày nào ông Bríu cũng có mặt ở đồi đẳng sâm của mình. Việc chăm sóc đẳng sâm không mất nhiều công sức và khá đơn giản, nhưng ông vẫn ra đồi để chờ dân làng tới, truyền lại kinh nghiệm trồng đẳng sâm cho bà con. Ông Bhling Bríu bảo, đồng bào mình còn nghèo lắm, nên mình phải giúp mọi người có cái ăn, cái mặt bằng cách chỉ họ phương thức trồng và chăm sóc đẳng sâm. “Đẳng sâm đã giúp nhiều người thoát nghèo. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là đầu ra chưa ổn định, phụ thuộc hết vào người mua lẻ từ dưới xuôi lên”- già Bríu cho hay.
Theo Báo Quảng Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn