Do hầu hết diện tích nhãn trồng ở Hồng Nam đều được chọn lọc từ các cây nhãn đầu dòng trong và ngoài tỉnh, nên chất lượng quả luôn được xếp vào hàng “đỉnh” trong khu vực. Một vài nét đặc tính nổi bật của nhãn Hồng Nam là quả to, hạt nhỏ, vỏ mỏng mềm, cùi dày, hương thơm, vị ngọt sắc. Sản phẩm chuyên cung ứng cho các nhà hàng, siêu thị ở Hà Nội và Hải Phòng.
Thu hoạch nhãn sớm |
Ông Đặng Văn Xây, Chủ nhiệm HTX Nhãn lồng Hồng Nam cho biết, toàn xã có hơn 300ha nhãn đang ở thời kỳ khai thác kinh doanh. Trung bình mỗi hộ gia đình trồng 5 - 7 sào nhãn. Rất nhiều hộ trồng trên 1 mẫu. Một số hộ trồng 3 - 4 mẫu nhãn. Tổng sản lượng nhãn quả của xã năm nay ước đạt 3.500 tấn. Giá trị hơn 100 tỷ đồng. Tương đương giá trị sản lượng nhãn năm 2016.
Hiện tại, các nhà vườn địa phương đang bước vào mùa thu hoạch nhãn. Giá bán đầu vụ cắt tại vườn dao động ở mức 50 - 60 nghìn đồng/kg. Dự báo, vào thời kỳ thu hoạch rộ (trong tháng 8), giá nhãn vẫn sẽ ở mức trên 30 nghìn đồng/kg. Vì nhiều địa phương trên miền Bắc năm nay không được mùa nhãn.
Ông Trịnh Văn Cương, thôn Nễ Châu, Hồng Nam, hồ hởi khoe với chúng tôi: “Gia đình vừa có được hơn 40 triệu đồng từ bán 7 tạ nhãn sớm. Còn gần 3 tấn nhãn trà chính vụ nữa, chắc thu không dưới 100 triệu đồng”. Theo đó, thu nhập từ trồng 1 sào nhãn năm nay tương đương 10 sào lúa cấy.
Nét mới trong mùa thu hoạch nhãn ở Hồng Nam năm nay là: Nhiều nhà vườn đã áp dụng qui trình thâm canh nhãn VietGAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Và thời gian cho thu quả kéo dài từ tuần đầu tháng 7 tới giữa tháng 9.
Đáng chú ý, nhãn Hồng Nam luôn có sự khác biệt với nhãn Thái Lan là, có hương thơm đặc trưng, chùm quả chụm, cùi quả bao gồm 2 lớp lồng bọc vào nhau, nên thường gọi là nhãn lồng. Nhãn Thái Lan quả rải đều trên chùm, bản lá to và dài hơn nhãn Hưng Yên, cùi quả có vị hăng nhẹ hoặc hơi ngái ngái.
Đóng gói nhãn đem đi tiêu thụ |
Qua tìm hiểu chúng tôi biết, sở dĩ quả nhãn Hồng Nam luôn thơm ngon sắc nước, chủ yếu là nhờ các nhà nông địa phương đã thường xuyên gom đất phù ven sa sông Hồng bồi dục cho vườn nhãn. Kết hợp thay thế kịp thời các cây nhãn thoái hoá bằng các giống ưu tú hơn. Ngoài ra, lợi thế sinh thái tiểu vùng cũng góp phần quan trọng làm nên hương vị nhãn đặc sắc nơi đây.
Ông Vũ Duy Hân, Chủ tịch UBND xã Hồng Nam cho biết: Điểm nổi bật nhất trong nghề trồng nhãn ở đây là, các nhà vườn đều biết sử dụng thuần thục Kaliclorat (KClO3) để điều khiển cho nhãn ra hoa đậu quả theo ý muốn. Nên đã kéo dài được thời vụ thu hoạch quả, giúp gia tăng năng suất và giá trị sản lượng. Vì vậy, trong rất nhiều năm qua địa phương không còn hiện tượng nhãn mất mùa.
Ông Bùi Xuân Tám, thôn Nễ Châu đã dùng KClO3 cho nhãn ra hoa cực sớm, cuối tháng 6 gia đình ông đã có nhãn bán, được giá cao gấp 2 - 3 lần so nhãn chính vụ. Nhờ cách làm có thu nhập cao này, gia đình ông Tám đã thuê và chuyển nhượng lại được gần 2 mẫu ruộng từ người dân trong xã để chuyên canh nhãn.
Từ thực tế xã Hồng Nam luôn được mùa nhãn nhờ KClO3 chúng tôi khuyến cáo, ngay sau mỗi lần dùng KClO3 điều khiển cho cây nhãn ra hoa, nhà nông cần chú ý: Nếu không có đất phù sa sông bồi dục cho vườn nhãn thường xuyên, thì bên cạnh bón cần đối đạm, lân, kali, nhà vườn cần tăng lượng bón phân hữu cơ vi sinh, để khôi phục nhanh hệ vi sinh vật đất. Vì cây nhãn hút dinh dưỡng thông qua hệ nấm háo khí hoạt động ở vùng rễ.
Riêng với giống nhãn muộn Khoái Châu (thường gọi là nhãn Miền Thiết) thì việc xử lý cho nhãn ra hoa bằng KClO3 còn chưa rõ nét.
Để thâm canh nhãn nhanh cho sản lượng quả cao, cần rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản trong vườn bằng cách, trồng cây giống 3 - 5 tuổi, bón cân đổi đạm lân, kali, phân hữu cơ các loại, kết hợp phun Atonic định kỳ, cây nhãn sẽ tăng trưởng nhanh, năng suất quả cao.
"Diện tích trồng nhãn đã không ngừng mở rộng, thúc đẩy các ngành nghề chế biến long nhãn, khai thác mật ong, phấn hoa cùng phát triển. Cây nhãn bây giờ đã trở thành cây làm giàu cho nhiều nông hộ. Chính quyền xã luôn khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tới tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại và bao tiêu sản phẩm nhãn tại địa phương", ông Vũ Duy Hân. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn