Không giậm chân tại chỗ, người dân, chính quyền xã Phổng Lái đưa nhiều mô hình có giá trị kinh tế cao vào SX, vì vậy đời sống người dân ngày một nâng cao.
Một ngôi nhà khang trang sạch đẹp tại xã NTM Phổng Lái |
Ông Nguyễn Văn Báu, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, do nằm ngay dưới chân đèo Pha Đin, nên bao năm nguồn nước sinh hoạt vẫn là nỗi trăn trở của địa phương. Nhưng bù lại, Phổng Lái được thiên nhiên ưu ái về thời tiết, khí hậu, đất đai. Từ năm 1974, cây chè đã đứng chân và phát triển tốt ở mảnh đất này. Rất nhiều dự án, mô hình SX nông nghiệp mới đều được đưa về Phổng Lái như một nơi khảo nghiệm điển hình.
Theo ông Báu, không phải tự nhiên mà Phổng Lái trở thành xã NTM như hôm nay. Từ 1 xã khó khăn với hơn 1.000 hộ dân, sau khi ghép thêm 5 bản tái định cư của thủy điện Sơn La, cơ sở hạ tầng được đầu tư rất nhiều. Tiêu biểu như đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế đều làm mới, sửa chữa lại khang trang, sạch đẹp.
Nếu như trước đây 2/19 bản có điện thì nay cả xã điện lưới quốc gia kéo đến từng nhà. Vấn đề nước sinh hoạt cũng đã giải quyết khi Phổng Lái được đầu tư hồ thủy lợi Lái Bay, tổng kinh phí 145 tỷ. Hồ có sức chứa 1.300 mét khối nước, tưới tiêu cho hơn 400ha cây công nghiệp, chủ yếu là chè và cà phê.
Cùng với việc tích cực thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, diện tích chè, cà phê tiếp tục mở rộng. Phổng Lái hiện có gần 520 ha chè, 201 ha cà phê. Tổng thu nhập từ chè và cà phê hằng năm đạt gần 200 tỷ đồng. Hiện xã có 1 DN chế biến, chè XK sang Đài Loan và 2 cơ sở chế biến, bảo đảm bao tiêu thụ hết chè búp tươi cho bà con.
Cũng theo ông Báu, địa phương đã đưa về một số cây trồng mới để người dân trồng thử. Điển hình là các loại cây ăn quả và dược liệu như chanh leo, sơn tra, sa nhân… Ông cho biết, tới đây địa phương sẽ quy hoạch thêm du lịch chân đèo Pha Đin kết hợp với SX nông nghiệp. Mong ước trong tương lai gần, xã Phổng Lái trở thành Mộc Châu thứ hai của tỉnh Sơn La.
Anh Thào A Hồ, bản Mô Cổng, xã Phổng Lái chia sẻ, gia đình hiện đang trồng hơn 1ha cây chanh leo, là mô hình điểm của huyện Thuận Châu. Mô hình ban đầu được hỗ trợ 100% cây giống, còn khi triển khai thêm sẽ được hỗ trợ 70%. Bắt đầu trồng từ tháng 4/2017, đến nay gia đình anh Hồ đã được thu 3 vụ chanh leo.
Anh Thào A Hồ, bản Mô Cổng chăm sóc cây chanh leo |
“Nhà tôi thu quả chanh leo từ tháng 8/2017 đến tháng 2/2018 với hơn 3 tấn quả với 250 gốc. Từ tháng 4/2018 đến nay thu được hơn 5 tấn. Giá cả trung bình từ 15 - 43 nghìn/kg. Về đầu ra liên kết với Cty Nafoods Tây Bắc họ thu mua tận nơi nên không phải lo. Trong bản, giờ cũng có 4 - 5 hộ tham gia mô hình này rồi. Cứ 3 – 4 ngày lại được thu quả một lần, một năm 9 - 10 tháng cho quả nên hiệu quả kinh tế rất tốt”, anh Hồ cho biết.
Theo tính toán, nếu chăm sóc tốt, giá cả ổn định, 1ha chanh leo có thể mang lại hơn 100 triệu đồng/năm. Anh mong muốn tiếp tục được hỗ trợ thêm cây giống, vốn vay để đầu tư cây chanh leo. Sang năm, nếu có điều kiện sẽ mở rộng diện tích chanh leo thêm 1ha, trồng xen cả sa nhân và sơn tra thay cho lúa, ngô.
Trao đổi với NNVN, ông Trần Hữu Hùng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thuận Châu cho biết, huyện đang hỗ trợ SX theo chương trình NTM, gắn với chuỗi giá trị SX bốn nhà. Với mô hình trồng thuần, sẽ hỗ trợ 10 triệu đồng/ha và 3 triệu đồng/ha với trồng xen. Tuy nhiên, việc hỗ trợ phải gắn trách nhiệm của người dân, đảm bảo sau này xây dựng vùng nguyên liệu, thực hiện theo quy trình VietGAP hoặc GlobalGAP. Điển hình như mô hình trồng cây chanh leo, người dân được hỗ trợ giống nhưng vẫn phải đối ứng một khoản tiền nhỏ. Về đầu ra DN sẽ phân loại quả để thu mua cho người dân theo giá thị trường. Người dân không còn lo lắng điệp khúc được mùa mất giá, mất mùa được giá nữa. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn