Xã Thanh Thủy có 590 hộ với 2.578 nhân khẩu, sinh sống tại 7 thôn bản, trong đó có 2 thôn giáp biên với tổng chiều dài đường biên 8,4km. Do địa hình đồi núi bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí của đồng bào còn nhiều hạn chế nên bước vào thực hiện chương trình XD NTM, xã Thanh Thủy gặp không ít những khó khăn. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, cấp ủy, chính quyền xã đã phối hợp với các ngành, đoàn thể và các thôn bản tích cực đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, vận động nhân dân, giúp bà con hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của chương trình, từ đó chung tay, góp sức cùng chính quyền XD NTM. Đến nay, người dân Thanh Thủy đã đổi thay nhiều trong nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước xác định những cây, con “mũi nhọn” để tập trung phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập, XĐGN.
Người dân thôn Thanh Sơn tích cực chỉnh trang, vệ sinh đường làng, ngõ xóm. |
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Phan Văn Vuông, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Thủy cho biết: “Đến nay, xã đã đạt 13/19 về XD NTM. Trong số những tiêu chí chưa đạt thì tiêu chí về môi trường, thu nhập, điện là khó thực hiện nhất đối với địa phương. Như tiêu chí điện, hiện nay xã còn 4/7 thôn chưa được sử dụng điện lưới Quốc gia, chiếm 33% dân số toàn xã. Các thôn này đều ở xa trung tâm xã, dân cư phân bố rải rác, giao thông đi lại khó khăn trong khi kinh phí để đầu tư lại quá lớn, nguồn ngân sách địa phương không thể cân đối được nên việc thực hiện tiêu chí này rất khó khăn. Còn với tiêu chí thu nhập, chính quyền địa phương đã đưa ra giải pháp cụ thể để thực hiện, trong đó tập trung vào trồng chè và chăn nuôi lợn, dê; đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao KHKT; khuyến khích nhân dân tận dụng tối đa quỹ đất sản xuất, chuyển đổi những diện tích đất không chủ động được nước sang trồng các loại cây có độ chống chịu hạn tốt; tập trung phát triển đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn...”. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 12 triệu 500 nghìn đồng/người/năm, tăng 6,5 triệu đồng so với năm 2011.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã cũng tích cực góp công, góp của chung tay XD NTM. Đến nay, người dân xã Thanh Thủy đã hiến trên 12.000 m2 đất, đóng góp trên 5.000 ngày công lao động, bê tông hóa trên 12 km đường liên thôn, nội thôn, mở rộng trên 5 km đường dân sinh, xây dựng trụ sở các thôn và bếp ăn trường Mầm non xã. Nhân dân tự giác, tích cực tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, giữ gìn vệ sinh môi trường, chung tay ra quân xây dựng 3 công trình vệ sinh... góp phần đưa diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Đến thôn Thanh Sơn, điểm sáng trong XD NTM của xã Thanh Thủy, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là con đường bê tông sạch đẹp trải dài từ trục đường chính vào tận thôn và các hộ dân, người dân chở phân bón ra tận đồng thay vì phải gùi, vác như trước đây, các em nhỏ tung tăng đến trường trên con đường bê tông thênh thang, rộng mở. Trưởng thôn Thanh Sơn, Nguyễn Văn Liền cho biết: “Dưới sự tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền, nhân dân trong thôn thi đua tăng gia sản xuất, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và làm dịch vụ phục vụ du lịch nên cuộc sống ngày càng khấm khá. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 21 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 9,2%. Các tuyến đường nội thôn cũng đã được bê tông hóa 100%, trụ sở thôn, nhà văn hóa được xây mới khang trang, sạch đẹp...”.
Hiện nay, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Thanh Thủy đang nỗ lực thực hiện các tiêu chí chưa đạt, phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành các tiêu chí, trở thành xã vùng biên đầu tiên của huyện Vị Xuyên “cán đích” NTM. Dù vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, hưởng ứng cao từ phía nhân dân, tin tưởng rằng xã vùng biên Thanh Thủy sẽ “cán đích” NTM theo đúng lộ trình.
Theo Nguyễn Phương/Báo Hà Giang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn