Do làm tốt công tác tuyên truyền, thôn Nà Đon, xã Yên Hân (Chợ Mới) đã mở tuyến đường nội đồng phục vụ việc đi lại, sản xuất của bà con. |
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện đã khiến diện mạo nông thôn nhiều khởi sắc với kết cấu hạ tầng lẫn đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân phát triển theo hướng tiến bộ. Quá trình thực hiện, nhiều địa phương đã có những cách làm linh động, phù hợp với điều kiện thực tế. Không nặng về hỗ trợ vật chất, nhưng việc thực hiện các công trình, phần việc để từng bước hoàn thành các tiêu chí, đặc biệt là các công trình đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi... đã được thực hiện có hiệu quả.
Với huyện Pác Nặm, giai đoạn 2013 - 2016 đã triển khai thực hiện 75 công trình thì có 56 công trình có sự tham gia của người dân hiến đất, tham gia ngày công lao động. Cụ thể như: Công trình đường Phiêng Puốc - Bản Nhàm - Phiêng Nghè, xã Cao Tân; đường Cốc Bát - Pác Giả, xã Nghiên Loan; đường Vi Lạp - Kho Cà - Lẻo Luông, xã Nhạn Môn; đường liên thôn Nà Cà, xã Bằng Thành… Tính đến năm 2016, người dân trong toàn huyện đã đóng góp bằng ngày công quy đổi thành tiền hơn 9,4 tỷ đồng.
Nhạn Môn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Pác Nặm, nhưng thời gian qua, người dân nhiều khu dân cư đã chủ động hiến đất, đóng góp ngày công để làm đường. Tính đến nay, người dân trong xã đã tham gia ngày công quy ra tiền trị giá trên 600 triệu đồng. Lãnh đạo địa phương cho biết, để làm tốt công tác này, hoạt động tuyên truyền ở xã, các khu dân cư luôn được đẩy mạnh, đi đôi với thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Bên cạnh đó, đặc biệt chú trọng việc tiếp thu ý kiến của người dân, thống nhất trong dân rồi mới triển khai. Khi người dân được thông tin đầy đủ, hiểu kỹ vấn đề sẽ nhất trí cao trong cộng đồng, tự nguyện tham gia xóa nghèo, nâng cao thu nhập, giữ gìn nếp sống văn hóa, giữ an ninh trật tự.
Trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt công tác tuyên truyền sẽ góp phần tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân. |
Bên cạnh những nơi làm tốt, cũng còn không ít địa phương chưa thật sự chủ động, linh động trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tăng thu nhập cho người dân để nâng cao chất lượng tiêu chí thu nhập, nhưng nhiều địa phương loay hoay chưa biết nên phát triển sản phẩm nào để thành hàng hóa; thực hiện tiêu chí môi trường, tuyên truyền, vận động người dân nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Thậm chí, còn có lãnh đạo nghĩ rằng, cuộc sống nhiều khó khăn, người dân còn nghèo, phải lo cái ăn nên chưa có thời gian hoặc chờ vốn đầu tư mới làm được.
Qua kiểm tra tiến độ, kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới ở 8 xã phấn đấu về đích năm 2017, đoàn kiểm tra của tỉnh đánh giá là mặc dù đã có chuyển biến nhưng còn chậm, nhất là việc thực hiện tiêu chí môi trường, nâng cao thu nhập. Đến thời điểm hiện nay, về cơ bản các công trình hạ tầng: Trường học, nhà văn hóa, sân thể thao xã, nhà văn hóa thôn đều đang trong quá trình thi công, hoàn thiện; nhiều nội dung ở một số tiêu chí chưa bám sát đúng theo hướng dẫn…
Từ thực tế cho thấy, để hoàn thành kế hoạch về đích xã nông thôn mới, các địa phương cần tăng cường sự chỉ đạo, quyết liệt sâu sát của các cấp uỷ, chính quyền; nhân rộng các mô hình hay về phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội cần vào cuộc một cách quyết liệt, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, bảo vệ môi trường... Ngoài quyết tâm cao, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, rất cần sự góp sức của toàn xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt từ chính người dân./.
Theo Tùng Vân/Báo Bắc Cạn.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn