Xây dựng nông thôn mới ở Nam Giang (Quảng Nam): Hướng thoát nghèo cho đồng bào vùng cao
Thứ năm - 10/10/2013 23:44
Nam Giang là huyện miền núi nghèo, địa bàn cách trở, dân cư sống thưa thớt, phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ 3 năm trở lại đây, nhờ triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn ở vùng núi, vùng biên giới tại đây đã có nhiều khởi sắc.
Ưu tiên đầu tư giao thông
Bà Phạm Thị Như - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, cho biết, Nam Giang là một trong những huyện nghèo của tỉnh Quảng Nam, có diện tích 184.899ha, dân số hơn 23.000 người (hơn 80% là đồng bào dân tộc thiểu số), gồm 11 xã, thị trấn, trong đó có 6 xã biên giới đặc biệt khó khăn. Nam Giang có địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Chính vì thực tế này, nhiều năm qua, huyện đã tập trung huy động các nguồn lực để đẩy mạnh công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng về đường - trường - trạm. Đặc biệt, khi Trung ương cũng như tỉnh phát động Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Nam Giang như được tiếp thêm sức mạnh, chính quyền các cấp từ huyện đến xã, thôn đã nhanh chóng thành lập ban chỉ đạo và bắt tay ngay vào triển khai thực hiện chương trình.
Việc phát triển giống heo rừng thuần đã giúp bà con đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Theo bà Như, để mở đường thoát nghèo cho bà con khu vực vùng núi, vùng biên giới, chủ trương của Nam Giang là tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu, trong đó, giao thông nông thôn được ưu tiên hàng đầu. Ngay khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM, huyện Nam Giang chọn 2 xã điểm Tà Bhing và La Dê để làm trước. Ngoài các dự án giao thông được đầu tư từ trước, huyện đã tập trung nguồn lực và lồng ghép các nguồn vốn khác, như vốn Chương trình 134,135…, để làm đường bê tông nông thôn tại 2 xã điểm Tà Bhing và La Dê. Nhờ thế, sau 3 năm triển khai thực hiện, đến nay đường liên thôn, liên xã tại 2 địa phương này đạt gần 80%. Ngoài ra, nhiều công trình thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất khác cũng được địa phương quan tâm đầu tư đồng bộ.
Chú trọng phát triển cây - con
Song song với việc ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, thời gian qua Nam Giang còn tích cực đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi để giúp đồng bào thoát nghèo. Theo bà Như, là vùng núi, việc phát triển cây lúa nước, cây màu rất khó khăn, vì không chủ động được nước. Do đó, địa phương đã từng bước nghiên cứu để đưa những cây – con phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của địa phương vào sản xuất. Trong đó, xác định 3 cây (cao su, keo, chuối) và 3 con (heo, dê, bò) chủ lực. Hiện nay, toàn huyện đã có hơn 1.000ha cao su. Diện tích cây cao su đại điền sẽ được trồng nhiều hơn trong thời gian tới và nó sẽ trở thành cây thoát nghèo bền vững của bà con. Ngoài ra, Nam Giang đã xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi heo (heo rừng thuần) – bò – dê tại xã Tà Bhing, La Dê, bước đầu đem lại hiệu quả.
"Để cán đích NTM theo đúng lộ trình đặt ra, Trung ương và tỉnh Quảng Nam cần xem xét có chính sách, cơ chế đặc thù ưu tiên cho các huyện miền núi, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng biên giới”. Bà Phạm Thị Như - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang
Ông Phan Minh Tiến – Trưởng phòng NNPTNT huyện Nam Giang, cho hay, ngoài việc hỗ trợ cho hai xã điểm xây dựng mô hình trang trại heo – bò – dê thì ngành nông nghiệp đã triển khai mô hình nuôi cá rô phi, cá trắm cỏ… cho các địa phương. Mặt khác, để có những giống heo rừng thuần khỏe mạnh, phòng đã giao nhiệm vụ cho trạm khuyến nông huyện xây dựng khu nhà trại để chăn nuôi, nhân giống... “Hiện nay đàn heo đang phát triển khá tốt và từ mô hình này chúng tôi sẽ cung cấp đủ con giống cho bà con. Để bà con yên tâm về đầu ra, chúng tôi đã có phương án thành lập tổ hợp tác làm đầu mối thu mua và tiêu thụ” - ông Tiến chia sẻ.