Triển khai Quyết định 167/2008/QĐ-TTg “Về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở”, năm 2010 nhiều ban, ngành chức năng của tỉnh và huyện Hải Hà cùng vào cuộc, đã xoá được hơn 300 ngôi nhà tranh tre, dột nát ở Quảng Sơn.
Hộ anh Đặng Văn Hoan (thôn 4, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà) mở rộng chăn nuôi lợn theo hướng sản xuất hàng hoá. |
Tuy người dân đã phần nào “an cư” nhưng cũng không dễ để giúp họ “lạc nghiệp”, bởi nhiều hộ có tư tưởng ỷ lại, thậm chí không muốn thoát nghèo để được hưởng các chương trình ưu đãi của Nhà nước. Do vậy, việc xoá nghèo ở Quảng Sơn được xác định trước hết là phải thay đổi nhận thức cho bà con bằng việc tuyên truyền. Khi họ tự nhận ra được cái hay, cái đúng của việc thoát nghèo, thì từ đó họ mới nỗ lực vươn lên, xoá nghèo mới mang tính bền vững. Thế nhưng, việc tuyên truyền cũng không đơn giản, nhiều khi cán bộ xã, huyện đến nhà các hộ nghèo, họ lấy lý do bận, lên rừng tránh mặt, hoặc mượn cớ không biết tiếng Kinh để không nghe, không hiểu. Do đó, để nâng cao dân trí cho người dân, trước hết cần phải nâng cao trình độ cho cán bộ xã. Đã có hàng chục lượt cán bộ xã được cử đi tập huấn các lớp xây dựng nông thôn mới, lớp học tiếng Dao do huyện tổ chức. Cán bộ nói được tiếng của đồng bào, nên khi tuyên truyền đã có người nghe; cán bộ cũng lắng nghe được những tâm sự của bà con, từ đó giảng giải, phân tích cho bà con những điều hay lẽ phải. Quảng Sơn đã xây dựng được đội ngũ 16 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, gồm các già làng, trưởng bản và cả những người trẻ tuổi nhưng có tiếng nói được nhiều người lắng nghe. Đây là lực lượng xung kích, nòng cốt trong các phong trào, mà thể hiện rõ nhất là phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới. Trước đây, phải đi bộ nửa ngày từ trung tâm xã mới đến được các thôn như Pạc Sủi, Mảy Nháu, Quảng Mới, Lồ Má Coọc…, nay đường giao thông đã được bê tông hoá, thuận lợi rất nhiều cho phát triển kinh tế - xã hội. Bà con các thôn này đã hiến hàng chục nghìn m2 đất, đóng góp tiền để làm đường giao thông hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhận thức của người dân đã tiến bộ nhiều, các tổ chức Hội: Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên huyện và xã cùng vào cuộc xây dựng các mô hình sản xuất và giúp người dân được vay vốn từ nhiều nguồn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Quảng Sơn có diện tích tự nhiên 16.000ha, trong đó chiếm 2/3 là đất rừng. Để khai thác tốt thế mạnh về rừng, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng phòng hộ, xã đã tạo điều kiện cho người dân đẩy nhanh phát triển kinh tế rừng. Nhờ đó, đến nay đã có hơn 80% số hộ dân trồng rừng từ vài ha đến vài chục ha/hộ; tính riêng năm qua, người dân Quảng Sơn trồng mới được 269ha keo, quế, nâng tổng diện tích rừng trồng của xã lên hơn 800ha. Gia đình anh Chíu Sáng Phúc (thôn 3) thoát nghèo từ năm 2012, nói: “Bây giờ ai bầu tôi làm hộ nghèo tôi chối ngay. Mình “sức dài vai rộng” mà còn đi lĩnh tiền trợ cấp hộ nghèo thấy xấu hổ lắm…”. Anh Phúc có 6ha rừng, từ trồng rừng anh xây được nhà mới, mua máy cày, máy tuốt lúa, máy băm rau lợn. Anh còn nuôi gần chục con lợn, trồng vài sào lúa, thu nhập ngoài trồng rừng khoảng 15 triệu đồng/năm.
Giống như anh Phúc, bên cạnh trồng rừng, nhiều hộ dân Quảng Sơn đã đẩy mạnh chăn nuôi. Trước đây nhiều hộ chỉ chăn nuôi tự cung tự cấp là chính, thì nay bà con đã nuôi lợn theo hướng sản xuất hàng hoá, hiện tổng đàn lợn của xã khoảng 6.000 con. Một số hộ còn làm trang trại tổng hợp nuôi lợn rừng, ngỗng và trồng nhiều loại cây ăn quả, tạo sự đa dạng trong phát triển sản xuất ở Quảng Sơn. Từ một xã mà tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức cao, đến hết năm 2013 số hộ nghèo ở Quảng Sơn chỉ còn 26,8%. Con đường xoá nghèo ở Quảng Sơn đang đi đúng hướng và bền vững.
Công Thành
theo baoquangninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn