Sản xuất chè Suối Giàng tuân thủ theo các tiêu chuẩn chè sạch
Với định hướng rõ ràng phát triển cây chè đặc sản, những năm trở lại đây tỉnh Yên Bái ban hành Nghị quyết 02 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè, thực hiện đăng ký đối với nhãn hiệu chè Suối Giàng - Yên Bái… Sự vào cuộc của chính quyền và người dân, sau hơn ba năm triển khai, nhãn hiệu “Chè Suối Giàng - Yên Bái” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận. Tiếp đó, tỉnh Yên Bái đã cấp phép sử dụng nhãn hiệu cho sản phẩm chè của 2 đơn vị là Hợp tác xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn) và Công ty TNHH và phát triển Suối Giàng, nhằm tiếp tục phát triển thương hiệu và cung ứng chè Suối Giàng…
Xã Suối Giàng nằm ở độ cao 1.400m so với mặt nước biển, khí hậu ôn hoà, nhiệt độ trung bình cả năm chỉ hơn 20oC, mát như Sa Pa, Tam Đảo. Vòng quanh các vách đá kỳ thú, các trảng rừng nguyên sinh, 12 cây số đường mới mở từ Nghĩa Lộ bạn sẽ đến trung tâm Suối Giàng - nơi có những gốc chè cổ thụ đặc sản. Suối Giàng có gần 410ha chè, trong đó chè cổ thụ có gần 80.000 gốc, trung bình một năm, toàn xã thu hái được khoảng 500 tấn chè búp tươi. Khi sao khô giá bán bình quân khoảng 300.000-400.000 đồng/kg chè khô, có loại lên đến 1,2 triệu đồng/kg, thậm chí lên đến 2 triệu đồng/kg.
Cở sở sản xuất chè Suối Giàng đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng chè |
Ông Vàng A Giao - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Giàng cho biết, việc phát triển cây chè đã giúp người dân xóa đói giảm nghèo, có nhiều hộ vươn lên làm giàu. Cùng với việc yêu cầu các doanh nghiệp được cấp giấy nhãn hiệu đầu tư đổi mới công nghệ hiện đại để chế biến chè, người dân Suối Giàng cũng đã thu hái chè theo yêu cầu kỹ thuật đề ra. Cùng với đó, Yên Bái đã phê duyệt Dự án đầu tư phát triển khu du lịch sinh thái Suối Giàng, hoàn thiện hồ sơ để đăng ký cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý; thực hiện đề án bảo tồn và phát triển bền vững vùng chè cổ Suối Giàng, nhằm từng bước đưa sản phẩm chè Shan Tuyết đạt tiêu chuẩn quốc tế (ISO 22000) trong thời gian sớm nhất.
Theo ông Vũ Quang Đoàn- Giám đốc Công ty TNHH và phát triển chè Suối Giàng: Mặc dù đã có bước khởi đầu tốt đẹp, được cộng hưởng nhiều giá trị độc đáo, được các sở, ban ngành, đặc biệt là ngành Công Thương Yên Bái đưa ra nhiều giải pháp bảo tồn và phát triển, nhiều giải pháp quảng bá nhưng đến nay thương hiệu chè Suối Giàng vẫn chưa là thương hiệu mạnh. Mong rằng một ngày không xa thương hiệu chè Suối Giàng sẽ là một trong những thương hiệu chè đặc sản của Việt Nam được sự đón nhận nhiệt tình của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Bên cạnh chè Shan Tuyết, chè Phình Hồ, tỉnh Yên Bái còn là địa phương có diện tích trồng chè rất lớn với nhiều sản phẩm như chè Yên Bình, Trấn Yên, Văn Chấn, Bát Tiên… Trước đòi hỏi của thị trường, có hàng ngàn hộ nông dân Yên Bái đã và đang sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGap GlobalGap, ISO.... Với nhận thức về sản xuất an toàn, sản xuất chè sạch, người dân đã nắm bắt thành thạo quy trình sản xuất chè an toàn, đó là nền tảng cho phát triển sản xuất chè bền vững.
Sản xuất chè sạch, chè an toàn là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế phát triển sản xuất hiện nay. Nó không chỉ giúp nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người trồng chè mà còn là "giấy thông hành" cho sản phẩm chè Yên Bái đến với các thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, Yên Bái cũng cần tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm chè, tìm đầu ra cho sản phẩm để trong tương lai không xa sản xuất chè thực sự trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn