Hiện nay, vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở thành vấn đề nhức nhối đối với toàn xã hội. Trước thực trạng thực phẩm bẩn, không đảm bảo, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các huyện xây dựng đề án trồng rau an toàn và coi đây là một biện pháp thiết thực để giải quyết vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Cơ sở sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Bảo Minh, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái.
Ông Trần Thế Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, để phát triển nông nghiệp bền vững, tạo ra sản phẩm an toàn, tỉnh đã điều chỉnh Quy hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn đến năm 2020. Mục tiêu là xây dựng vùng rau an toàn sản xuất theo chuỗi có diện tích 9.400 ha, đạt sản lượng 111.870 tấn; trong đó, vùng rau an toàn tập trung đạt 360 ha với sản lượng trên 15.000 tấn.
Tỉnh có trên 9.000 ha diện tích gieo trồng, mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 100.000 tấn rau các loại với giá bán trung bình từ 5 đến 10 nghìn đồng/kg. Riêng thành phố Yên Bái có diện tích trồng rau khoảng 300 ha; trong đó, 70 ha được công nhận rau an toàn là thị trường tiêu thụ rau lớn của tỉnh. Sản xuất rau an toàn hiện đang được các địa phương trong tỉnh tham gia hưởng ứng.
Tuy Lộc là xã vùng ven của thành phố Yên Bái được biết đến là nơi cung cấp một lượng hàng nông sản lớn cho người dân thành phố từ nhiều năm nay với hơn 150 ha đất canh tác. Sau khi tham gia đề án sản xuất rau an toàn từ năm 2016 của thành ủy Yên Bái, xã đã xây dựng được một hợp tác xã với 56 hộ thành viên tham gia.
Ông Nguyễn Mạnh Huân, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Tuy Lộc cho biết, hợp tác xã có tổng diện tích trên 5 ha với sản lượng hơn 30 tấn, lợi nhuận thu về khoảng từ 500-600 triệu đồng. Trung bình mỗi ngày cung ứng ra thị trường gần 1 tấn rau, quả chủ yếu cung cấp cho 2 nhà máy may, gần 20 trường học và các bếp lớn quanh khu vực thành phố. Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Tuy Lộc sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng, xây dựng uy tín, thương hiệu để nhiều cơ sở biết đến với mong muốn tạo vị thế cho rau an toàn trên thị trường.
Sản xuất rau an toàn giúp người nông dân có thêm thu nhập, cải thiện đời sống, gắn phát triển kinh tế song song với bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đề án mà gia đình ông Đỗ Văn Cần, thôn Minh Long, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái đã có thu nhập ổn định, mỗi năm thu về được gần 15 triệu đồng, lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa trước đây. Đề án trồng rau an toàn hay, cần được duy trì vì đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân, gia đình người trồng cũng như người tiêu dùng - ông Cần nhận xét.
Sản xuất rau an toàn tạo thêm nhiều việc làm cho người nông dân, giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục mở rộng thêm quy mô và hỗ trợ các vùng chuyên canh rau an toàn với mục tiêu xây dựng Yên Bái hướng đến một nền nông nghiệp sạch, bền vững.