Đột phá từ dồn điền đổi thửa
Ông Phạm Xuân Việt, Chủ tịch UBND xã Yên Phương, cho biết, xác định dồn điền đổi thửa là điều kiện quan trọng để thực hiện các tiêu chí khác nên ngay khi triển khai XDNTM, chính quyền xã đã đẩy mạnh thực hiện dồn điền đổi thửa. Chỉ trong vòng 3 tháng, từ chỗ mỗi hộ có bình quân 18 thửa ruộng, xã dồn đổi xuống còn 2,5 thửa/hộ, tạo điều kiện cho bà con chỉnh trang đồng ruộng, hoàn thiện giao thông nội đồng, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.
Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của Chương trình XDNTM, từ đó tình nguyện đóng góp công sức tham gia thực hiện. Yên Phương xác định làm chắc từng tiêu chí, dễ làm trước, khó làm sau.
Đến nay, diện mạo nông thôn Yên Phương đã thay đổi rõ rệt. 100% đường giao thông trục xã, liên xã; đường trục thôn được bê tông hóa; 100% đường ngõ xóm được “cứng hóa”, không lầy lội vào mùa mưa; 76,3% đường trục chính nội đồng được “cứng hóa”. Hệ thống kênh mương được kiên cố, nạo vét, khơi thông dòng chảy. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất được tưới tiêu chủ động đạt 100%. Cả 3 trường học đã đạt chuẩn quốc gia; 11/11 thôn có nhà văn hóa với đầy đủ các thiết chế; 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Thu nhập bình quân năm 2017 đạt 37 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 3%.
Đổi mới sản xuất
Yên Phương nằm giáp sông Đáy, sản xuất nông nghiệp trước đây không được thuận lợi do đây là vùng trũng, quanh năm ngập úng. Sau khi dồn điền đổi thửa, xã đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Theo đó, Ban Nông nghiệp xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển dịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, đưa các giống lúa BT7 kháng bạc lá, Nếp 97, D.ưu, Nhị ưu 838… có năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu sâu bệnh khá, vào sản xuất. Mở rộng diện tích sản xuất trồng màu trên đất 2 lúa, tập trung vào những loại cây có giá trị kinh tế cao như: khoai tây, cà chua, bí xanh, rau màu các loại… Các công thức luân canh, xen canh, gối vụ ngô, lạc, hành, tỏi… từ nhiều năm nay luôn cho người nông dân vùng đất bãi thu nhập bình quân từ 40 - 50 triệu đồng/ha.
Bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp của Yên Phương là việc xã quy hoạch, chuyển đổi thành công hơn 60ha vùng cấy lúa kém hiệu quả và những diện tích đất có khả năng gieo trồng ven đê để phát triển trang trại, gia trại tổng hợp. Để phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm của người nông dân, xã khuyến khích các hộ nông dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nuôi thủy sản, cải tạo vườn, mở rộng mô hình lúa - cá theo quy mô trang trại, gia trại tập trung…
Hiện, các khu vực chuyển đổi tập trung ở Yên Phương đã hình thành hàng chục trang trại có hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều hộ nông dân. Điển hình như trang trại chăn nuôi của gia đình anh Phạm Văn Dục ở thôn Phù Cầu. Mỗi ngày, gia đình anh xuất bán từ 1.500-1.800 quả trứng gà Ai Cập, doanh thu bình quân khoảng 10 - 12 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, tận dụng vùng đất bãi rộng lớn, thuận lợi cho chăn thả nên chăn nuôi trâu, bò đang trở thành “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế của Yên Phương. Diện tích mặt nước trên địa bàn cũng được khai thác triệt để phát triển nuôi thủy sản theo mô hình trang trại, gia trại tổng hợp.
Với chủ trương đúng đắn, bước đi phù hợp trong đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Yên Phương đã cán đích NTM một cách ngoạn mục.