Chỉ cách đây vài năm, khi đến huyện Long Phú, chúng tôi thường vất vả di chuyển trên những đoạn đường lầy lội. Ðể có thể vào phum sóc, không còn cách nào khác là vượt qua những vũng bùn nước hoặc chờ đò ngang đưa rước... Ngày ấy, không chỉ cơ sở hạ tầng kém phát triển mà cuộc sống người dân cũng còn khá vất vả. Người dân thiếu vốn, tập quán canh tác lạc hậu nên hiệu quả sản xuất không cao. Giờ đây khác hẳn, từ trung tâm huyện, cho đến các vùng nông thôn, phum sóc, các tuyến đường được trải nhựa, lót đá, người dân không còn chịu cảnh nắng bụi, mưa bùn, hàng hóa nông sản được vận chuyển dễ dàng, con em đồng bào dân tộc Khmer đi học thuận lợi. Dọc theo các tuyến đường, những ngôi nhà tường mới khang trang mọc lên san sát...
Gia đình anh Thạch Suôl ở ấp Bưng Long, xã Long Phú từng thuộc diện hộ nghèo nhất, nay chăn nuôi được tám con bò sữa, các con được ăn học đàng hoàng, không còn cảnh chạy ăn từng bữa. Trong căn nhà mới, anh Suôl tâm sự: “Trước đây, gia đình tôi nghèo lắm, nhà cửa dột nát. Ðược Nhà nước hỗ trợ, cho vay tiền lãi suất thấp, tôi mua hai con bò sữa và được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách thức chăn nuôi, cách trồng cỏ cho bò ăn. Từ đó, tôi cố gắng vượt khó học hỏi kinh nghiệm làm ăn dần vươn lên thoát nghèo. Hiện tôi đã trả hết nợ ngân hàng, mỗi năm sau khi trừ hết chi phí, gia đình lãi khoảng 70 triệu đồng".
Tiếp chúng tôi trong căn nhà còn xây dựng dở dang, anh Ngô Sa Ri ở ấp Tân Lịch, xã Tân Hưng phấn khởi khoe: “Lúc mới ra ở riêng, hai vợ chồng tôi phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Ðược Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ cho vay 18 triệu đồng để xây nhà ở, tôi có hướng vươn lên và cố gắng làm lụng. Tự tay xây nhà, gia đình đã tiết kiệm được khoản tiền đáng kể. Năm trước, chính quyền địa phương còn hỗ trợ cho gia đình một con bò cái. Nhờ hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, nay bò đẻ được một con. Với hai con bò này, xem như tôi đã tích cóp được khoảng 25 triệu đồng”. Anh Ri dự định khi làm ăn khấm khá hơn, sẽ mua thêm ruộng để canh tác và tiếp tục phát triển đàn bò. Cũng ở ấp Tân Lịch, chị Diệp Thị Liên không giấu nổi niềm vui khi dọn về căn nhà mới xây với vốn vay hỗ trợ 30 triệu đồng. Chị chia sẻ: "Có nhà ở đàng hoàng là mơ ước của gia đình đã thành hiện thực. Giờ đây, vợ chồng tôi yên tâm phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy các con đến nơi đến chốn".
Về ấp Nước Mặn 2, xã Long Phú, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Triệu Kha, một trong những hộ làm kinh tế hiệu quả từ việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của địa phương. Ông Kha bộc bạch: “Mấy năm trước, gia đình phải mướn ruộng, dù chăm chỉ làm cũng không đủ ăn. Hiện, ngoài khoản hỗ trợ cho vay 10 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình còn được tham gia các lớp tập huấn sản xuất nên mạnh dạn mua bốn con heo về nuôi. Nhờ có vốn chăn nuôi, mỗi năm tôi bán được hai lứa heo, trừ chi phí, lãi hơn 20 triệu đồng. Có tiền rồi, tôi trả dần vốn vay ngân hàng”. Ông Kha bảo, đã mua được sáu công ruộng với mong muốn có điều kiện thuận lợi để cải thiện cuộc sống tốt hơn cho gia đình.
Những năm gần đây, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Long Phú không ngừng được nâng cao. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước phát triển, bộ mặt nông thôn đổi mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Năm 2017, toàn huyện còn 3.666 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 13%; trong đó, đồng bào dân tộc Khmer nghèo còn 1.547 hộ. Bí thư Huyện ủy Long Phú Nguyễn Thanh Hùng cho biết: Ðể có được kết quả này, Ðảng bộ huyện quyết tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả việc lồng ghép, sáng tạo trong các chương trình, dự án chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, đã có hàng nghìn hộ Khmer nghèo được hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, cấp nước sạch sinh hoạt và điện. Toàn bộ số hộ Khmer nghèo được ngân hàng cho vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Huyện cũng dành hàng chục tỷ đồng ưu tiên đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế... ở những vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
Cách làm của huyện Long Phú là cán bộ phải đi sát cơ sở, đến từng hộ gia đình để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, đời sống người dân, từ đó tìm cách hỗ trợ cho phù hợp, hướng dẫn bà con cách làm ăn, nhân rộng những mô hình làm ăn hiệu quả, khuyến khích tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Với cách làm thiết thực và sáng tạo này, công việc sản xuất, kinh doanh của các hộ dân đến đâu, được kiểm tra đến đó để kịp thời tháo gỡ khó khăn, chấn chỉnh những mặt hạn chế, yếu kém nhằm phát huy cao nhất hiệu quả của chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ðối với những hộ người già neo đơn, không có khả năng lao động… huyện thống kê, lập kế hoạch đề xuất cách hỗ trợ riêng. Tuy nhiên, để người dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer thoát nghèo một cách bền vững thì việc tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và hỗ trợ vốn sản xuất là những vấn đề căn cơ đang được Ðảng bộ, chính quyền huyện Long Phú quan tâm.
Bài và ảnh: ÐỖ NAM/ Báo nhân dân.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn