Hàng chục nghìn hộ nông dân được hưởng lợi
Theo Bộ NNPTNT, để triển khai dự án trên, Bộ đã lựa chọn 13 tỉnh tham gia dự án, gồm 5 tỉnh vùng Tây Nguyên là Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và 8 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long là An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng và Tiền Giang.
Nông dân Đăk Nông được học tập mô hình tái canh cà phê bền vững ngay tại vườn. Ảnh: T.L
Các đối tượng trực tiếp thụ hưởng dự án Hợp phần lúa gạo: Dự án VnSAT hỗ trợ trực tiếp khoảng 140.000 hộ nông dân sản xuất lúa gạo thông qua phát triển các mô hình hợp tác xã/tổ hợp tác để áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến và bền vững, đồng thời thúc đẩy liên kết bao tiêu với các doanh nghiệp. Dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu người dân ở ĐBSCL sẽ hưởng lợi trực tiếp từ hợp phần này. |
Đối với mặt hàng lúa gạo, dự án sẽ hỗ trợ cho sản xuất trên diện tích 200.000ha của 140.000 hộ nông dân bằng việc áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận của nông dân trên mỗi ha có thể tăng 30%, tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng khoảng 40-60 triệu USD/năm. Dự án sẽ giúp cho ngành lúa gạo phát triển bền vững với việc tăng khả năng cạnh tranh, từ đó tăng thu nhập cho nông dân sản xuất lúa gạo, giảm tác động tiêu cực tới môi trường từ sản xuất lúa.
Về mặt hàng cà phê, dự án sẽ hỗ trợ 63.000 hộ nông dân canh tác bền vững trên diện tích 69.000ha áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận của nông dân có thể tăng khoảng 15 triệu đồng/ha so với cà phê không áp dụng canh tác bền vững hoặc không tái canh. Tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng sản xuất cà phê khoảng 48-50 triệu USD/năm (242-250 triệu USD cho 5 năm). Đặc biệt, lợi nhuận này sẽ còn kéo dài trong suốt chu kỳ kinh doanh cà phê (20-25 năm).
Ngoài hỗ trợ cho hai ngành hàng lúa gạo và cà phê, Dự án VnSAT cũng sẽ hướng tới giảm tác động tiêu cực tới môi trường thông qua việc giảm nước tưới, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác; tăng cường năng lực thể chế phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Bộ NNPTNT và các tỉnh tham gia dự án.
Theo ông Lê Văn Hiến - Trưởng Ban Quản lý các Dự án nông nghiệp (Bộ NNPTNT), kết quả thực hiện dự án với ngành hàng lúa gạo, đến nay đã có hơn 107.000 nông dân được đào tạo quy trình “3 giảm - 3 tăng” và gần 33.000 nông dân được đào tạo quy trình “1 phải - 5 giảm”. Đã lựa chọn 44 tổ chức nông dân được đề xuất dự án hỗ trợ cơ sở hạ tầng, hàng hóa thiết bị. Đối với ngành hàng cà phê, đã có hơn 16.000 nông dân được đào tạo quy trình “sản xuất cà phê bền vững”, trên 9.500 nông dân được đào tạo quy trình “tái canh cà phê bền vững”.
Đã tạo được chuyển biến căn cốt
Tính đến tháng 3.2018, dự án VnSAT đã giải ngân được 8,4 triệu USD (191 tỷ đồng) cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi ngành hàng lúa gạo và 21,8 triệu USD (493,85 tỷ đồng) cho nông dân của 5 tỉnh dự án tại Tây Nguyên.
Hiện nay, dự án VnSAT đang cung cấp nguồn tín dụng nhằm hỗ trợ các cá nhân, hộ gia đình tại 5 tỉnh Tây Nguyên vay để tái canh và ghép cải tạo vườn cà phê với mức cho vay tối đa 280 triệu đồng/ha (chưa bao gồm hệ thống tưới) và 400 triệu đồng/ha (đã bao gồm hệ thống tưới tiết kiệm); thời hạn cho vay tối đa 9 năm; lãi suất cho vay 6,5% trong thời gian ân hạn từ 1 – 4 năm, sau đó tính theo lãi suất thương mại.
Để người dân có thể nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng tái canh ưu đãi, dự án VnSAT đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tích cực hưởng ứng chương trình, đồng thời tiến hành khảo sát nhu cầu vốn tái canh, cải tạo giống cà phê, từ đó xây dựng “bản đồ” tái canh cà phê chi tiết đến đơn vị hành chính thôn, bản.
Công khai quy trình, thủ tục hồ sơ vay vốn, tạo mọi điều kiện thuận lợi, hướng dẫn thủ tục vay vốn đến từng tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có nhu cầu, tăng cường cán bộ thẩm định cho vay đối với các địa bàn trọng điểm, đáp ứng kịp thời vốn đầu tư. Đồng thời phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông của các huyện để nắm bắt công tác triển khai của địa phương, tư vấn cho khách hàng sử dụng vốn vay có hiệu quả.
Ông Trần Văn Yên – Trưởng ban Mặt trận thôn 9, xã Lộc An, tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Bà con nông dân thôn 9 vay được nhiều từ nguồn vốn tái canh của dự án VnSAT, mỗi ha tái canh vay được 280 triệu, nếu có nhu cầu lắp hệ thống tưới tiết kiệm thì vay thêm được 120 triệu nữa. Như gia đình nhà tôi từ lúc nộp đơn xin vay vốn đến lúc được giải ngân chỉ có 2 ngày, thủ tục rất nhanh gọn”.
Đánh giá về kết quả triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp nói chung, kết quả triển khai dự án VnSAT nói riêng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp sau 5 năm đã tạo được những chuyển biến căn cốt cả về nhận thức và hành động, từ chính trên đồng ruộng”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, các chuyển biến cơ bản của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp là: Tiềm lực sản xuất tăng lên, thể hiện ở việc gia tăng về sản lượng ở tất cả các mặt hàng, đặc biệt như rau quả, thủy sản; sản xuất theo chuỗi liên kết ngày càng gia tăng với 744 chuỗi trên diện tích 600.000ha đất canh tác; Sản xuất sạch với giá thành hợp lý đang trở thành dòng chủ lưu của ngành nông nghiệp hiện nay…
“Tất cả đều đã ý thức được việc cần phải triển khai tái cơ cấu nông nghiệp, nên đã có nhiều ngành hàng được tái cơ cấu lại theo chuỗi; trong đó dự án VnSAT có một phần đóng góp quan trọng. Tuy nhiên, điều cần thiết trong thời gian tới là phải xây dựng được vùng nguyên liệu sạch, tổ chức liên kết tốt; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc còn tồn tại hiện nay”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Theo Ngọc Lê (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn