Sáng nay 30.7, tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) đã diễn ra hội nghị Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Tham dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cùng khoảng 600 đại biểu, gồm lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành, lãnh đạo địa phương các tổ chức quốc tế, đông đảo DN trong và ngoài nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Văn Long.
Tại hội nghị các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ sẽ đối thoại, trả lời với các doanh nghiệp, hiệp hội về thực trạng đầu tư vào nông nghiệp.
Theo báo cáo của chính phủ thì số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế, chủ yếu ở ngành chế biến, chế tạo các sản phẩm nông lâm thủy sản, việc chuyển dịch hình thức sản xuất sang doanh nghiệp diễn ra còn khá chậm chạp.
Tính hết quý II năm 2018, ước tính cả nước có hơn 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp trên cả nước.
Theo số liệu thống kê, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 92,35%, tiếp đến là doanh nghiệp có quy mô lớn với gần 6% và doanh nghiệp có quy mô vừa với trên 2%.
Toàn cảnh hội nghị toàn quốc thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. (Ảnh: Văn Long)
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ những nội dung chính trong khuôn khổ hội nghị.
Theo Phó Thủ tướng, trước hết cần đánh giá thực trạng; chỉ rõ những hạn chế, bất cập về cơ chế, chính sách cũng như những “điểm nghẽn” cản trở việc phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, như: Quy hoạch, kế hoạch, hạ tầng; tiếp cận đất đai, tín dụng, thuế, giống; công nghệ; thị trường; thủ tục hành chính, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Từ những đánh giá trên, cần xác định rõ giải pháp trước mắt và lâu dài để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cũng như những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
“Cần tính đến các giải pháp tổng thể về quy hoạch; phát triển kết cấu hạ tầng; khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp; nâng cao năng lực dự báo, đổi mới công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường…”, Phó Thủ tướng đề nghị.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, cần chỉ rõ các giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực nông nghiệp; tạo dựng được các thương hiệu Việt có uy tín trên thị trường quốc tế.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu thảo luận các giải pháp đảm bảo thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật, những cam kết quốc tế; trách nhiệm bảo vệ môi trường; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện các chính sách xã hội, đặc biệt là bảo đảm lợi ích của người nông dân đã đóng góp đất đai cho doanh nghiệp.
Đọc báo cáo về tình hình đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; ông Nguyễn Chí Dũng- Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết: "Ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp ở Việt Nam kém phát triển, chưa được quan tâm thích đáng để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp hiện đại hóa sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm".
Về thị trường tiêu thụ, các mô hình liên kết vẫn còn bộc lộ hạn chế do khả năng hợp tác, liên kết của người dân, doanh nghiệp còn yếu. Theo thống kê Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016, cá nước có 781 doanh nghiệp (DN) thực hiện liên kết, chiếm 20,3% tổng số DN nông, lâm thủy sản (NLTS).
Vấn đề nóng hơn cả đó là việc đa số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp có trình độ tay nghề hạn chế, chủ yếu chưa qua đào tạo. Kết quả điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 thì lao động trong lĩnh vực NLTS chiếm tới 92,7% tổng số lao động trong lĩnh vực này. Trình độ đại học chỉ chiếm trở lên chỉ chiếm 0,46% và trình độ cao đẳng, cao đẳng nghề chỉ chiếm 0,69%.
Cuối cùng, việc đầu tư của các doanh nghiệp trong nông nghiệp còn gặp nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh bất hợp lý. Việc cắt giảm, sửa đổi các điều kiện kinh doanh vẫn mang nặng tính hình thức, chồng chéo trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Tình trạng một mặt hàng phải chịu sự kiểm tra của nhiều đơn vị khác nhau cùng thuộc một Bộ đã và đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo Văn Long (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn