Với hình thức nuôi luân chuyển, khi bò mẹ sinh bò con được 6-9 tháng, bê con sẽ được chuyển cho hộ nghèo khác nuôi. Nhờ phương thức này, đến nay số lượng đàn bò của dự án đã tăng lên 164 con.
Sau một năm chăm sóc, con bò của chị Lò Thị Đoàn (xã Ẳng Nưa) đã đẻ ra con. Ảnh: L.S
Chị Lò Thị Đoàn ở bản Na Luong, xã Ẳng Nưa là một trong những hộ nghèo được nhận hỗ trợ bò. Chị Đoàn cho biết: “Mỗi con bò có giá hàng chục triệu đồng, là gia tài lớn nên ai nhận nuôi cũng phải chăm sóc cẩn thận, không dám thả rông vì sợ bò phá nương rẫy và sợ bị mất. Khi lên nương trồng cấy, tôi đều tranh thủ dắt bò theo để vừa làm việc, vừa có thời gian chăn dắt. Mùa thu hoạch lúa, tôi đều phơi rơm khô để có thức ăn dự trữ cho bò. Sau 2 năm chăm sóc, con bò mẹ nhà tôi đã sinh được 1 bê con”.
May mắn hơn gia đình chị Đoàn, hộ ông Lường Văn Thành (bản Na Hán) đã bốc thăm được con bò đang mang thai. Đến nay, bò mẹ đã sinh sản được 2 lứa, và tài sản của ông hiện là 2 con bò trị giá trên 30 triệu đồng. Ông Thành chia sẻ: “Khi biết mình được nhận bò nuôi đợt đầu, tôi đã tận dụng gỗ sẵn có trong nhà để dựng chuồng chắc chắn cho bò, đảm bảo thoáng mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Bò được tiêm phòng đúng định kỳ, ngày nào cũng được ăn no nên lớn nhanh. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc tốt cho bò để mỗi năm chúng sinh sản thêm 1 con, và vài năm nữa mình sẽ có cả một đàn bò”.
Theo ông Lò Văn Hoà - Chủ tịch UBND xã Ẳng Nưa, điểm mới của mô hình là nếu bò mẹ sinh ra bê đực sẽ chuyển cho Hội Chữ thập đỏ thanh lý và Hội sẽ mua bò cái để trao cho hộ nghèo tiếp theo trong bản nhận nuôi. Khi bò đến giai đoạn phối giống, Trung tâm Phát triển chăn nuôi của tỉnh Điện Biên hỗ trợ phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Trong quá trình triển khai, Ban quản lý dự án cấp xã thường xuyên kiểm tra định kỳ 1 tháng/lần. Khi gia súc ốm hay chết, hộ dân phải báo ngay cho chính quyền xã. Do vậy, việc sinh sản của đàn bò trong xã đạt tỷ lệ cao.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn