Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lâm Đồng, tưới tiết kiệm nước đã được người nông dân ở thành phố Đà Lạt và vùng lân cận sử dụng từ lâu trên cây rau, hoa với quy mô nhỏ lẻ. Việc áp dụng các loại hình tưới đã được áp dụng cho hầu hết các cây trồng như: rau, hoa, cà phê, chè, cây ăn quả. Đến nay, Lâm Đồng có 151.686 ha được tưới với 4 loại hình tưới. Trong đó, có 3.070ha tưới nhỏ giọt (2.070ha cây rau, 800ha cây hoa và 200ha cà phê); 22.607ha tưới phun mưa; 21.402 ha tưới tiết kiệm trên các loại cây trồng cạn, 104.607ha tưới khác.
Ngoài ra, Lâm Đồng hiện nay còn có trên 50ha ứng dụng công nghệ tưới thông qua hệ thống thủy canh, khí canh cung cấp nước và dinh dưỡng trực tiếp đến cây trồng, cho năng suất đạt tối đa trên một số loại rau, quả. Công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước được các doanh nghiệp, Hợp tác xã triển khai ứng dụng nhanh. Tính đến năm 2017, toàn tỉnh có 291 doanh nghiệp và 11 Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm là 6.977ha.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Lâm Đồng, việc ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt giúp đảm bảo phân bố độ ẩm đều trong đất, giảm nhân công lao động. Đồng thời, tưới nhỏ giọt phù hợp với nhiều địa hình khác nhau, ngăn chặn sự phát triển của cỏ dại quanh gốc cây và sâu bệnh; giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt và đạt năng suất cao.
Hiệu quả của hệ thống tưới nhỏ giọt và kết hợp bón phân cho cây rau, hoa đã tiết kiệm từ 30-60% lượng nước so với biện pháp tưới nước truyền thống; giảm chi phí đầu tư, công lao động từ 50-70% và tăng năng suất từ 15-20% so với canh tác truyền thống.
Tại tỉnh Gia Lai, công nghệ tưới nước cũng được áp dụng tại nhiều huyện. Nhờ đó mà hơn 2.000 trụ hồ tiêu của gia đình ông Nguyễn Văn Thường (thôn Plei Djriek, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) đủ nước tưới trong điều kiện hạn hán khốc liệt năm 2016. Ông Thường cho hay: “Năm trước, hạn hán khốc liệt, giếng chỉ tưới được khoảng 1 tiếng đồng hồ là hết nước, nếu tưới dí bình thường thì trong 1 tiếng đồng hồ chỉ được vài chục trụ hồ tiêu thôi. Trong khi đó, hệ thống tưới nhỏ giọt cũng với số lượng nước đó mình có thể tưới cho cả 1.000 trụ hồ tiêu. Kinh phí để đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt chỉ 50-60 triệu đồng/ha”.
Tương tự, ông Trương Văn Thành (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) cho biết: “Gia đình có hơn 1 ha cà phê trồng xen hồ tiêu tại xã Glar. Nhờ áp dụng phương pháp tưới béc phun mưa tại gốc nên tiết kiệm được nguồn nước. Tôi mua ống nước và béc phun mưa với giá 20 triệu đồng về lắp đặt hết trong vườn. Sau đó, tôi mua thêm bộ cảm biến khoảng 4 triệu đồng và kết nối với điện thoại, chỉ cần ngồi ở nhà cũng có thể điều khiển tưới nước cho cây trồng”.
Trên thực tế, việc áp dụng các biện pháp công nghệ tưới tiết kiệm đã mang lại hiệu quả rõ nét. Ông Trịnh Quốc Việt-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Để giúp người dân tiếp cận với mô hình tưới nước tiên tiến, trong năm 2016, chúng tôi đã triển khai mô hình tưới nước nhỏ giọt cho 2 ha cây hồ tiêu, với 4 hộ dân tại xã Đak Djrăng (huyện Mang Yang) tham gia. Năm 2017, chúng tôi tiếp tục triển khai mô hình tưới nước nhỏ giọt cho 4 ha hồ tiêu, với 8 hộ dân tham gia tại huyện Đak Đoa và hiện đang tiến hành chọn hộ, địa phương triển khai tưới nước nhỏ giọt trên 2 ha cà phê… Việc áp dụng mô hình tưới nước tiên tiến giúp tiết kiệm nước, nhân công, đặc biệt bón phân và thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả qua đường ống tưới.
Theo Hóa Lê/vietq.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn