Nguyên nhân được bà chủ trại giải thích do hai bên không đạt được những thoả thuận về thương mại nên cả hai thống nhất chấm dứt hợp đồng. Từ nay, các hệ thống siêu thị, như Co.opmart, Lotte Mart, cửa hàng tiện lợi… nếu có bán gà thảo mộc, thì người dùng nên ý thức đó không phải là gà thảo mộc chính hiệu lấy từ trang trại Cao Thị Ten.
Nói “không” với yêu cầu hạ chất lượng của doanh nghiệp giết mổ và phân phối, bà Ten tự mình xây dựng thương hiệu gà thảo mộc Cao Ten. Ảnh: Thư Đặng.
“Ly dị” vì bị doanh nghiệp ép giảm chất lượng
Sau nhiều năm gắn bó, tưởng chừng mối quan hệ liên kết làm ăn giữa một bên là doanh nghiệp có tiềm lực vốn, có hệ thống phân phối, có các mối quan hệ; với một bên là người chăn nuôi sẽ bền vững, thì nay cũng đường ai nấy đi. Sâu thẳm trong câu chuyện “ly dị” này, phải chăng cũng là một cách làm ăn chưa cùng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Đề cập đến nội dung này, báo TGTT từng phản ánh một góc độ làm ăn tương tự như vậy trong bài viết Gà thảo mộc nào tử tế.
Trong bài viết, chúng tôi cũng đề cập đến một câu chuyện doanh nghiệp ép người nuôi gà thảo mộc hạ chất lượng nhằm hạ giá thành để cạnh tranh. Cách làm này cho thấy, phía doanh nghiệp chỉ xem lợi trước mắt chứ không nghĩ đến phát triển bền vững, lâu dài và dĩ nhiên, người chăn nuôi không bao giờ thoả hiệp với cách làm ăn chụp giựt như vậy.
Với kinh nghiệm và tâm huyết sau 20 năm làm nghề chăn nuôi, bà Cao Thị Ten, một trongnhững người đi tiên phong và thành công trong việc nuôi gà thảo mộc. Ảnh: Thông Hải.
Cách đây vài năm, giới chăn nuôi cũng từng xôn xao câu chuyện về con gà ta Gò Công cũng bị doanh nghiệp ép nó phải giảm chất lượng. Doanh nghiệp, sau nhiều năm liên kết với nông dân, bỗng dưng một ngày “trở mặt” yêu cầu người nuôi phải giảm chất lượng, bắt gà số lượng nhỏ giọt, đòi chấm dứt hợp đồng. Nguyên nhân sâu xa cũng chỉ là doanh nghiệp này lén “đi cửa sau”, nuôi con gà ta Gò Công bằng công thức cám công nghiệp chứ không tuân thủ các tiêu chuẩn nuôi truyền thống, nên có ý loại nông dân ra khỏi cuộc chơi. Ý đồ này, về sau không thành vì người nuôi vẫn được pháp luật bảo vệ.
Trở lại câu chuyện của bà Ten, ngay khi ngưng hợp đồng cung cấp gà thảo mộc chính hiệu cho công ty San Hà, bà tâm sự thời gian qua tại thị trường TPHCM xuất hiện một sản phẩm gà thảo mộc, chất lượng thấp hơn sản phẩm gà từ trang trại của bà, do được chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Nhiều người tiêu dùng phản ảnh về trại vì nhầm tưởng đó là gà thảo mộc từ trang trại của bà Ten. Do đó, tới đây, bà sẽ liên kết với một nhà máy giết mổ đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm tại Đồng Nai và đóng gói bao bì mang nhãn hiệu “Gà thảo mộc Cao Ten” bán ra thị trường Đồng Nai, TPHCM… Mục đích là nhằm hạn chế việc pha trộn các sản phẩm không phải được chăn nuôi bằng thảo mộc truyền thống.
Bảo vệ danh giá cho gà thảo mộc
Qua trao đổi, bà Ten cũng xác nhận đang chờ được sở Khoa học và công nghệ tỉnh Đồng Nai cấp bản quyền đăng ký sở hữu trí tuệ chất lượng, thương hiệu, logo, tem cho con “Gà thảo mộc Cao Ten”. Sau khi có chứng nhận độc quyền này, trang trại Cao Ten sẽ chính thức phân phối sản phẩm gà thảo mộc ra thị trường theo quy trình khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Người dùng cũng có thể sử dụng điện thoại thông minh truy nhập nguồn gốc xuất xứ con gà qua con tem dán trên bao bì sản phẩm.
Bà Cao Thị Ten ở ấp 2 xã Phú Ngọc, huyện Định Quán (Đồng Nai) đang kiểm tra các loại thảo dược phục vụ nuôi gà. Ảnh: Hương Giang.
“Sắp tới, thương hiệu Gà thảo mộc Cao Ten trở lại thị trường TPHCM với một vóc dáng và diện mạo hoàn toàn mới. Chúng tôi sẽ phát triển sản phẩm theo chiều sâu, bền vững chứ không làm chụp giựt”, bà Ten tự tin nói.
Ngoài việc tự bán hàng để quản lý chất lượng sản phẩm, bà Ten còn cho biết, trang trại gà thảo mộc của bà cũng chấm dứt sử dụng nguồn thảo mộc nhập khẩu từ Đài Loan, do thời gian gần đây các loại thảo mộc nhập khẩu từ Đài Loan về bán với mức giá cao, 33 USD/kg (khoảng 70.000 đồng), liên tục đòi tăng giá. Trong khi đó, bà không thể đánh giá được chất lượng của sản phẩm nhập khẩu.
Thức ăn nuôi gà gồm mười loại, chủ yếu là các loại cây gia vị như: gừng, hương thảo, húng quế, nghệ… vốn là các loại cây gia vị nhưng có tác dụng nhất định về dược tính, chẳng hạn, nghệ hỗ trợ tiêu hoá, gừng giúp vật nuôi ngừa các bệnh về cúm… Dược tính tự nhiên trong các loại thảo mộc giúp vật nuôi tránh được các chứng bệnh như cúm, tụ huyết trùng… mà không phải sử dụng đến các loại kháng sinh, hạn chế tối đa tồn dư kháng sinh trong thịt gà sau giết mổ.
Thảo mộc là 1 trong những thành phần được sử dụng làm thức ăn trong chăn nuôi gà của hộ bà Cao Thị Ten ở Định Quán (Đồng Nai). Ảnh: Thông Hải.
Gà sau khi đủ 30 ngày tuổi sẽ bắt đầu được ăn thảo mộc, gà ăn thảo mộc cho thịt thơm, ngọt, dai… hơn và đặc biệt loại bỏ được mùi hôi so với các chăn nuôi thông thường. Tuy nhiên, để con gà thảo mộc có chất lượng tốt nhất là phải trộn thảo mộc với các loại thức ăn tự nhiên (bột bắp, cám gạo, đậu nành) theo tỷ lệ 5 kg thảo mộc – 1 tấn thức ăn, thời gian nuôi cho chất lượng thịt tốt nhất khoảng 100 ngày. Trong khi đó nếu sử dụng cám công nghiệp trộn với thảo mộc, thời gian mỗi lứa nuôi có thể ngắn hơn (khoảng 70 ngày), nhưng chất lượng thịt (thịt bở, không thơm, xốp ở phần ức…) sẽ không bằng cách nuôi truyền thống do gà nhanh bị lão hoá.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn