Chị Nguyễn Thị Nga trong nhà kho có sức chứa hơn 1.000 tấn của gia đình. Ảnh: P.P
Xã Phong Thủy là vùng thấp trũng, thường xuyên bị lũ lụt. Chính vì vậy, sau mỗi vụ thu hoạch, người ND thường phải bán tháo lúa do không có nơi tích trữ, bị thương lái ép giá. Đồng cảm với nỗi khổ của nhà nông, năm 2004, vợ chồng chị Nga mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng kho bãi và dây chuyền xay xát gạo quy mô lớn để tiêu thụ lúa ổn định cho ND.
Mỗi năm, cơ sở của chị Nga thu mua, xay xát gần 15.000 tấn lúa, trung bình mỗi ngày thu mua, tiêu thụ trên 50 tấn. Thị trường thu mua lúa của cơ sở chị Nga không chỉ riêng huyện Lệ Thủy mà cả vựa lúa các huyện Quảng Ninh, Vĩnh Linh (Quảng Trị). Thị trường tiêu thụ gạo cũng được chị Nga tổ chức vươn ra các tỉnh phía Bắc.
Hiện với mức thu mua và tiêu thụ 15.000 tấn lúa mỗi năm, gia đình chị Nga lãi trên 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 30 lao động với thu nhập gần 6 triệu đồng/người/tháng. Cũng vì hạn hán, lũ lụt bất thường, nhiều năm qua người ND ở huyện lúa Lệ Thủy không sản xuất vụ lúa hè thu mà chủ yếu để lúa tái sinh (lúa chét).
Hiện diện tích lúa tái sinh của huyện Lệ Thủy đạt trên 8.000ha với tổng sản lượng gần 30.000 tấn/năm. Do bà con ít sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật như với lúa bình thường nên gạo lúa chét là sản phẩm sạch, ăn thơm dẻo…
Đầu năm 2015, chị Nga đầu tư thêm dây chuyền xay xát mới và mở rộng kho bãi để chế biến gạo từ lúa tái sinh. Sau khi lắp đặt xong dây chuyền, cơ sở của chị đã thu mua lúa tái sinh của bà con, xay xát, đóng gói để giới thiệu, quảng bá và bán ra thị trường với nhãn hiệu “Lúa chét xứ Lệ”. Hiện nhãn hiệu này đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn