Bài toán không dễ
Năm nay là năm rất khó khăn trong XK gạo. Điều đó đã thể hiện rõ ngay trong những tháng đầu năm này. Thế nhưng, sản lượng lúa vụ hè thu và thu đông trong năm nay ở Nam bộ vẫn được dự kiến là sẽ tăng mạnh so với những vụ tương ứng của năm ngoái.
Mỗi vụ tăng trên 100 ngàn tấn
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT các tỉnh, TP khu vực Nam bộ, trong vụ hè thu 2014, kế hoạch xuống giống là 1.863.350 ha. Nếu so với vụ hè thu 2013, thì tổng diện tích vụ hè thu năm nay ở Nam bộ sẽ tăng thêm 558 ha. Diện tích tăng như vậy, có thể nói không đáng là bao.
Tuy nhiên, sản lượng lúa vụ hè thu 2014 được dự báo là sẽ tăng khá, chủ yếu nhờ thời tiết thuận lợi nên nhiều khả năng sẽ trúng mùa so với vụ hè thu 2013. Cụ thể, năng suất bình quân ở ĐBSCL được dự báo sẽ đạt 5,37 tấn/ha (tăng 0,057 tấn/ha), ở ĐNB là 5,04 tấn/ha (tăng 0,017 tấn/ha). Tính bình quân cả khu vực Nam bộ, năng suất vụ hè thu tới có thể tăng 0,054 tấn/ha. Nhờ năng suất sẽ tăng đáng kể nên sản lượng lúa vụ hè thu năm nay dự kiến sẽ cao hơn vụ hè thu năm ngoái trên 103 ngàn tấn.
Vụ thu đông 2014 cũng được dự báo sẽ tăng sản lượng tới trên 150 ngàn tấn so với vụ thu đông 2013. Việc tăng sản lượng này có nguyên nhân quan trọng từ việc diện tích kế hoạch sẽ tăng trên 4.000 ha và năng suất sẽ tăng 0,159 tấn/ha.
Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng năm nay, dự báo tất cả các vụ lúa đều sẽ trúng mùa. Vì thế, theo dự báo của Cục Trồng trọt, sản lượng lúa thu hoạch trong năm nay ở riêng ĐBSCL sẽ đạt trên 24,6 triệu tấn, sản lượng gạo hàng hóa trên 12 triệu tấn. Sau khi trừ đi lượng gạo cho tiêu dùng, chăn nuôi, hao hụt…, sản lượng gạo hàng hóa dành cho XK là 8,616 triệu tấn. Đây là con số khá lớn, nhất là trong bối cảnh XK gạo đang gặp rất nhiều khó khăn.
Khó bán vẫn cứ trồng
Long An là một trong những tỉnh đang đi đầu ở ĐBSCL về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa. Hiện tỉnh này đã có chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất lúa, nhất là những vùng đất cao, xám bạc màu theo phương thức luân canh nhằm tăng thu nhập cho người nông dân, tập trung nhóm cây trồng cạn chủ lực của tỉnh trong thời gian tới là mè, bắp, đậu phộng.
Riêng với cây mè, Long An đã chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu mè, phối hợp với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, cụ thể là TCty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), đây là điều kiện thuận lợi để giúp cho cây mè phát triển ổn định trong tương lai. Trên địa bàn Long An đã có nhiều mô hình chuyển đổi trên nền đất lúa cho hiệu quả kinh tế tốt và có tiềm năng nhân rộng như: 2 vụ lúa – 1 vụ bắp (lúa hè thu + lúa đông xuân sớm + bắp đông xuân), 2 vụ lúa – 1 vụ mè (lúa hè thu + lúa đông xuân sớm + mè đông xuân), 1 vụ lúa – 2 vụ dưa hấu (lúa đông xuân + dưa hè thu + dưa thu đông)…
Tuy vậy, diện tích gieo trồng lúa ở Long An vẫn còn khá lớn, ngay cả trong vụ hè thu tới – là vụ lúa thường gặp nhiều bất lợi trong suốt quá trình canh tác: thiếu nước đầu vụ, mưa nhiều, thiếu sáng nên năng suất không cao, thu hoạch lúa gặp lúc mưa nhiều chất lượng suy giảm…
Theo ông Lê Minh Đức, GĐ Sở NN-PTNT Long An, trong vụ hè thu 2014, diện tích xuống giống của tỉnh này sẽ vào khoảng 220 ngàn ha, tương đương với vụ hè thu trước. Ông Đức cho biết, dù xuất khẩu gạo đang rất khó khăn, ảnh hưởng lớn tới tiêu thụ lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL nhưng diện tích lúa vụ hè thu ở Long An không thể giảm vì trên những vùng đất xuống giống chính vụ, nông dân vẫn chỉ có thể làm lúa mà chưa thể sản xuất cái gì khác trong vụ này.
Dù giá lúa xuống thấp, bán lúa đang khó, nhưng nông dân cũng không thể bỏ không ruộng đất trong suốt mấy tháng trời của vụ hè thu. Do đó, nếu cơ quan chức năng có lên tiếng rằng sản lượng lúa đang quá nhiều, lúa gạo đang rất khó tiêu thụ, đề nghị bà con nông dân nên giảm diện tích, sản lượng lúa, thì bà con cũng khó mà nghe theo.
Mô hình trồng thanh long trên nền đất lúa ở Long An
Bởi vậy, ông Lê Minh Đức cho rằng, ở Long An, nếu có chuyển đổi theo hướng giảm diện tích, sản lượng lúa, thì phải sang vụ thu đông. Khi ấy, nhiều diện tích đất lúa có đê bao cơ bản ở khu vực Đồng Tháp Mười có thể chuyển sang trồng mè, vừa tăng thu nhập cho nông dân, vừa góp phần tăng độ phì nhiêu cho đất lúa. Hay nhiều diện tích lúa kém hiệu quả ở Đức Hòa, Đức Huệ cũng có thể chuyển sang cây trồng khác. Mà muốn chuyển từ lúa sang một cây trồng nào đó cũng phải tính toán kỹ về khả năng tiêu thụ cho sản phẩm mới cũng như hiệu quả thực tế so với sản xuất chuyên lúa trước đây.
Ông Đức nhấn mạnh “Chẳng hạn trong tỉnh đang có 2.500 ha mè, nông dân trồng mè đang có giá bán, thu nhập tốt. Nhưng nếu đưa lên 5.000 ha mè thì sao, khi ấy tiêu thụ, giá bán còn tốt nữa không? Nếu không tính tới bài toán này mà ồ ạt chuyển lúa sang mè, biết đâu lại làm ảnh hưởng xấu tới đầu ra, thu nhập của những hộ hiện đang trồng mè. Hiện nay, chỉ có mô hình chuyển lúa sang trồng thanh long ở huyện Châu Thành là có hiệu quả tốt nhất do giá trị kinh tế của cây thanh long khá cao. Bởi thế, trong thời gian qua, đã có khoảng 2.000 ha lúa ở huyện này được nông dân chuyển sang trồng thanh long”.
Ông Phạm Văn Dư cho biết, một trong những cái khó hiện nay khiến cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa vẫn còn hạn chế, là vẫn còn chưa có những chính sách cụ thể để khuyến khích nông dân mạnh dạn chuyển lúa sang cây trồng khác. Vì vậy, Cục Trồng trọt đã xây dựng chính sách này, trước hết là cho vùng ĐBSCL và đã trình lên Bộ NN-PTNT. Mặt khác, trong những tháng tới, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp để liên tục chỉ đạo các địa phương kiên quyết chuyển dần nhiều diện tích lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác.
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn