Theo đó, vấn đề khuyến khích và bắt buộc các tổ chức nước ngoài tiến hành đầu tư sản xuất tại Việt Nam, mục đích là để chủ động nguồn giống, tạo công ăn việc làm cho người nông dân đồng thời mang những công nghệ tiên tiến mà các công ty đa quốc gia đang sở hữu để phát triển nền nông nghiệp Việt Nam.
Đây là chính sách, chủ trương tốt nhằm chủ động và phát triển nền nông nghiệp một cách bền vững, giảm dần sự phụ thuộc vào nước ngoài. Mục tiêu tốt nhưng vấn đề này chúng tôi thấy cần trao đổi, góp ý thêm như sau:
Thời hạn áp dụng
Theo Thông tư 95 sửa đổi lần thứ 8 vừa mới được thảo luận trong tháng 11 vừa qua thì thời hạn các DN được nhập giống sau khi công nhận chính thức là 3 năm, sau đó DN phải tự sản xuất trong nước.
Khoảng thời gian 3 năm là quá ngắn, không đủ cho DN chuẩn bị. Hiện nay quy trình xét duyệt dự án của chúng ta quá lâu, hơn nữa các công ty nước ngoài có tiêu chuẩn rất cao về chất lượng nhà máy, đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường, nguồn nguyên liệu và vùng sản xuất… thì quy định 3 năm quá nhanh, không khả thi.
Mặt khác, 3 năm là quãng thời gian đầu khi DN vừa xây dựng được thương hiệu, lúc đó sản phẩm mới bắt đầu được nông dân chấp nhận. Nếu DN không kịp tổ chức sản xuất thì nông dân thiếu giống.
Lúc đó việc nhập khẩu cũng không khả thi, tất cả các công ty nước ngoài thường lên kế hoạch sản xuất chậm nhất trong vòng 3 năm vì còn phải sản xuất ra giống bố mẹ, không ai chủ động sản xuất giống ra mà không biết sẽ tiêu thụ ở đâu?
Môi trường sản xuất trong nước
Hiện nay một số công ty đã tổ chức sản xuất trong nước trong đó có một số công ty đa quốc gia, tuy nhiên những giống được tổ chức sản xuất trong nước thường quá cũ và giá trị thấp như lúa lai Nhị ưu 838; các loại lúa lai 2 dòng trong nước. Ngô thì có CP888, LVN10, B9698… nhưng hầu hết những giống này thị phần đang giảm dần.
Trong khi đó, các công ty đa quốc gia như Bayer, Pioneer cũng đang tổ chức sản xuất thử giống lúa trong nước nhưng kết quả mang lại không khả quan. Phần lớn ảnh hưởng bởi nguồn gen chưa phù hợp, thời tiết thất thường, kỹ thuật và chăm sóc của nông dân không cao… dẫn đến năng suất khá thấp.
Chưa nói đến một số địa phương còn không biết đến lúa lai, đã có trường hợp DN mang lúa lai vào ĐBSCL sản xuất thử thì bị làm khó vì cho là “lúa lạ”.
Giá thành sản xuất
Những yếu tố khách quan dẫn đến năng suất hạt lai thấp làm giá thành sản xuất hạt lai cao, các công ty phải đứng trước những quyết định khó khăn là tiếp tục đầu tư hay ngừng hoạt động?
Hiện nay giá thành sản xuất 1 ha hạt giống lúa lai 3 dòng khoảng 50 triệu đồng. Các tổ hợp lúa lai Trung Quốc có thể cho năng suất cao 3 – 3,5 tấn/ha, nhưng các tổ hợp lúa lai chất lượng cao của Ấn Độ thì năng suất hạt lai rất hạn chế do không phù hợp với khí hậu, các công ty đã tiến hành sản xuất rất nhiều nhưng năng suất cao nhất cũng chỉ đạt 1 tấn/ha.
Nếu năng suất hạt lai 1 tấn/ha thì giá thành 1 kg đã là 50.000 đồng, chưa kể chi phí chế biến, bao bì, đóng gói, chi phí khấu hao và phân phối, lợi nhuận của nhà sản xuất…
Nếu tiếp tục đầu tư sản xuất, DN buộc phải nâng giá bán sản phẩm mới sống nổi, và nông dân là người chịu thiệt thòi. Hoặc DN sẽ lựa chọn ngừng hoạt động tại Việt Nam, sự lựa chọn này làm cho ngành nông nghiệp nước ta mất đi cơ hội tiếp xúc và thừa hưởng những tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp.
Nỗi lo mất bản quyền, nguồn gen
Hiện nay một vấn đề các DN nước ngoài rất lo lắng về tình trạng mất bản quyền giống bố mẹ.
Mặc dù chúng ta có luật về bảo hộ giống cây trồng (PVP – Plant Variety Protection), nhưng sự lo lắng vẫn còn đó khi sự cương quyết trong công tác bảo hộ không cao, và khi hạt giống bố mẹ đã vào tay nông dân thì khả năng bị sao chép, đánh cắp rất lớn…
Chúng ta cần có một hành lang, hệ thống pháp lý vững chắc về bảo hộ giống cây trồng tạo sự yên tâm cho DN nước ngoài. Tuy nhiên, việc nhập khẩu hạt giống bố mẹ về sản xuất trong nước không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Ví dụ Trung Quốc không cho xuất khẩu hạt giống bố mẹ, điều này chắc chắn ảnh hưởng đến nguồn cung lúa lai cho nông dân khi có đến gần 90% hạt giống lúa lai nhập khẩu là từ nước này.
Như vậy, các tổ hợp lai Trung Quốc có thể cho năng suất hạt lai cao nhưng không nhập được giống bố mẹ. Còn giống bố mẹ Ấn Độ có thể nhập được nhưng sản xuất không dễ, trong khi nhu cầu của chúng ta về chất lượng gạo càng tăng lên.
Sự nhất quán trong chính sách
Ở một số nước cũng có quy định tương tự, ví dụ như Indonesia, họ cho phép nhập khẩu trong vòng 2 năm sau đó khuyến khích DN phải sản xuất trong nước.
Nhưng Bộ Lương thực đã áp dụng một cách máy móc là cấm nhập khẩu sau khi đăng ký 2 năm. Chính sách này ảnh hưởng rất lớn đến với cả ngành hạt giống của Indonesia khi nông dân không có giống sản xuất.
Còn nhiều băn khoăn cần phải cân nhắc trước khi những chính sách và quyết định có hiệu lực. Người nông dân chỉ được hưởng lợi khi có giống tốt, chi phí giá thành thấp… trong khi những quy định về đăng ký giống cũng như hạn chế nhập khẩu vô tình làm người nông dân chịu thiệt thòi hơn. Thế nên, cần một sự suy tính thấu đáo hơn nữa về chính sách cũng như nội lực trong nước trước khi một quyết định quan trọng được ban hành... |
Indonesia cần tăng sản lượng gạo để bù đắp lượng gạo nhập khẩu hằng năm nhưng cấm nhập khẩu hạt giống, không ít công ty nước ngoài kêu trời vì họ đã giới thiệu được giống lúa cho nông dân sau đó không thể nhập giống về kinh doanh được.
Do nhu cầu hạt giống trong nước tăng mà sản xuất không đáp ứng, để đảm bảo nhu cầu lương thực, năm 2011, Bộ Nông nghiệp nước này đã thay đổi chính sách bằng cách yêu cầu DN cam kết tiến hành tổ chức sản xuất trong nước trong vòng 2 năm, và vẫn tiếp tục được nhập khẩu giống từ nước ngoài nếu DN đó chứng minh được nhu cầu hạt giống vẫn cao và có tiến hành tổ chức sản xuất.
Giải pháp là quota nhập khẩu, tuy nhiên đây không phải là giải pháp tốt vì khi cần giống thì không có nguồn để nhập như đã nói ở trên.
Một lo lắng nữa của DN là nếu khi không thể tự chủ sản xuất trong nước và chính sách cấm nhập khẩu được mở ra, các công ty chưa đầu tư ồ ạt nhập khẩu, và những công ty sản xuất trong nước không cạnh tranh được vì giá thành cao, lại một khó khăn cho họ khi đã bỏ ra một số tiền không nhỏ để đầu tư nhà máy chế biến, sản xuất…
Vì vậy, phải thật sự cân nhắc khi áp dụng và nhất quán trong chính sách, nếu không cả ngành hạt giống trong nước sẽ bị ảnh hưởng và trì trệ.
Công nghệ chế biến, xử lý của DN trong nước
Một giải pháp có thể được xem xét đến là sử dụng các đối tác trong nước làm gia công chế biến. Tuy nhiên, hiện nay gần như không có một nhà máy sản xuất nào trong nước đạt được trình độ cũng như có công nghệ sản xuất hiện đại như các công ty nước ngoài.
Một nhà máy sản xuất đạt tầm tiêu chuẩn quốc tế của các công ty đa quốc gia như Pioneer, Monsanto, Syngenta, Bayer… vốn đầu tư cũng lên đến 25 – 35 triệu USD! Với chi phí này một DN trong nước hoặc nước ngoài có muốn đầu tư cũng phải do dự.
Lý do một mai Nhà nước thay đổi chính sách cho nhập giống, khi không sản xuất được, thì vốn đầu tư xem như đắp chiếu, chờ bán sắt vụn…
Theo Nongnghiep.vn