Hiện nay, theo số liệu từ ngành nông nghiệp, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ hơn 10 triệu tấn phân vô cơ, nhưng trong đó số lượng phân hữu cơ chỉ chiếm khoảng 10%, với 1 triệu tấn. Nhằm chuyển từ nền nông nghiệp phụ thuộc vào hóa chất sang nền nông nghiệp hữu cơ, Chính phủ đã yêu cầu ngành nông nghiệp có giải pháp để thực hiện chủ trương tăng mức sử dụng phân hữu cơ lên 3 triệu tấn/năm vào năm 2020 và 5 triệu tấn/năm vào năm 2025. Đây là một thách thức lớn với ngành nông nghiệp, nhất là khi các công nghệ sản xuất phân hữu cơ đang có nhiều điểm nghẽn.
Vào cuộc nhiều, sụp đổ không ít!
Trao đổi với Nông thôn Việt về tình hình thực hiện chủ trương tăng lượng phân hữu cơ được sử dụng, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: “Sử dụng vật liệu hữu cơ làm phân bón là cách làm truyền thống của nông dân. Nhưng với các miền quê đang bị đô thị hóa, mật độ dân cư đông thì không gian để tận dụng phế thải hữu cơ rất khó khăn.
Đây cũng là lý do vì sao vật liệu hữu cơ bị lãng phí nhiều. Theo thống kê, mỗi năm chúng ta có trên 100 tấn phế thải hữu cơ từ trồng trọt và chăn nuôi, tuy nhiên lượng phế thải được sử dụng chưa đến 20%. Ngành nông nghiệp luôn khuyến khích nông dân tận dụng các sản phẩm hữu cơ để bón đồng ruộng theo lối cổ truyền, song nếu chỉ như vậy thì cũng chưa giải quyết được vấn đề. Rất cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp để thu gom và chế biến, sản xuất, phân phối phân bón hữu cơ cho nông dân”.
Cũng theo ông, điều đáng mừng là thời gian gần đây, trước nhu cầu của thực tiễn về một nền nông nghiệp sạch, an toàn, thân thiện môi trường, số doanh nghiệp chuyển hướng sang sản xuất phân hữu cơ đã tăng lên, trong đó có nhiều công ty lớn như Bình Điền, Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ…Tuy nhiên, còn nhiều điểm nghẽn cần phải tháo gỡ để phát triển ngành này đúng như kỳ vọng, nhưng công nghệ chính là điểm nghẽn mấu chốt.
Công nghệ sản xuất phân hữu cơ của chúng ta hiện nay vẫn dựa vào phương thức lên men truyền thống, tức là ủ conmpost sử dụng vi sinh vật phân giải chất hữu cơ và nhóm vi sinh vật có ích đối kháng với nhóm vi sinh vật gây bệnh. Sản phẩm hoai mục sau ủ truyền thống có thể hạn chế một phần vi sinh vật gây bệnh. Đây là xu hướng tốt nhưng lại đang bộc lộ nhược điểm. Trước hết là thời gian lên men đối với phân trộn tự nhiên thường kéo dài từ 3 đến 12 tháng.
Tiếp đó là khả năng kiểm soát nguồn bệnh kém, chất lượng chưa được kiểm định do chưa kiểm soát được mật độ các chủng vi sinh trong quá trình lên men. Chất lượng sản phẩm vì thế chưa ổn định và chưa tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Cũng vì nguyên nhân này mà rất nhiều doanh nghiệp sản xuất phân hữu cơ đã sụp đổ.
Công nghệ lên men siêu tốc
Một trong những công đoạn sản xuất phân hữu cơ với công nghệ lên men siêu tốc Bioway AT-12h. Ảnh: Phú Khuynh |
Nhập khẩu công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh là một bước tiếp cận nền nông nghiệp bền vững và thân thiện môi trường. Đây cũng là xu hướng các doanh nghiệp trong nước đang hướng tới. Khoảng vài năm gần đây, trên thị trường Việt Nam đã xuất hiện một công nghệ mới có tên là Bioway high speed composting system - Hệ thống ủ phân compost dạng kín bằng phương pháp lên men siêu tốc này có thể xử lý tất cả rác thải hữu cơ từ phân gia cầm, gia súc, xác động vật (nguyên cá thể hoặc từng bộ phận) đến chất thải hải sản, các loại rau quả và thực vật phân giải…
Mọi loại chất thải nói trên đều được phân hủy và chuyển hóa thành phân bón hữu cơ trong vòng 12 giờ trên một dây chuyền duy nhất. Bí mật công nghệ nằm ở một giống vi khuẩn lên men cao nhiệt chịu được nhiệt độ cao lên đến 180°C tên là A – T enzyme. Đây là loại vi khuẩn có nguồn gốc tại vùng núi lửa dưới đại dương. Chuẩn vi khuẩn A – T này đặc biệt ở chỗ, sẽ phân hủy chất hữu cơ đang bị thối rữa ở nhiệt độ 70°C và liên tục quy trình sinh sản theo cấp số 8 (cứ 1 vi sinh A – T sẽ sinh ra 8 vi sinh A – T khác).
Sau 12 giờ ủ lên men ở nhiệt độ cao, sản phẩm phân hữu cơ vẫn còn chứa dòng vi khuẩn này ở nhiệt độ bình thường. Khi bón vào đất, vi khuẩn A – T tiếp tục phát triển và giúp phân hủy nhanh các bã xác động thực vật trong đất, giúp đất tơi xốp, tăng độ phì nhiêu. Đây là công nghệ thuộc quyền sở hữu của ông Yang Kua – Hua, nhà sáng chế công nghệ, Chủ tịch Công ty Bioway Organic USA – Mỹ. Ông Yang Kua – Hua khẳng định: “Hiện công nghệ này đang là công nghệ duy nhất và nhanh nhất trên thế giới”.
Về công nghệ này, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, đánh giá: “Bioway là công nghệ có sự thay đổi hoàn toàn trong cách tiếp cận sản phẩm phân hữu cơ, từ chỗ không khống chế được thành phần vi sinh vật, nay được sử dụng nhiệt độ cao để tiêu diệt các vi sinh vật có hại và phân cấp các vi sinh vật có khả năng sinh nhiệt cao được phân lập từ núi lửa”.
Trong nước hiện nay đã có một vài cơ sở quan tâm đến ứng dụng công nghệ thủy phân ở nhiệt độ cao các phế thải như cá, tôm và sử dụng men chịu nhiệt để sản xuất các loại phân bón lá, nhưng số lượng chưa lớn. Vì vậy, “khi có doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với Bioway, chúng tôi rất vui, vì chúng tôi đặt rất nhiều kỳ vọng vào công nghệ này, do nó vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường vừa góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ nhằm đưa nền nông nghiệp Việt Nam hòa nhập với thị trường thế giới”, ông Sơn chia sẻ.
Tác giả bài viết: Uyên Linh
Nguồn: nongthonviet.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn