Hơn 44.000 tấn thanh long sẽ thu hoạch trong tháng 2 này
Bình Thuận là “thủ phủ” thanh long của cả nước, với diện tích lên đến gần 30.000 ha, sản lượng thu hoạch khoảng 600.000 tấn/năm. Hiện thanh long Bình Thuận chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, chiếm từ 70-80% tổng sản lượng.
Tuy nhiên do dịch bệnh nCoV đã khiến việc xuất khẩu các loại nông sản nói chung và thanh long nói riêng qua Trung Quốc (thị trường tiêu thụ nông sản lớn của Việt Nam) bị ảnh hưởng; nhiều nông sản rớt giá, tiêu thụ khó khăn.
Cùng với giải pháp tiêu thụ thanh long, ngành NN-PTNT Bình Thuận đã khuyến cáo các địa phương, nông dân trồng thanh long trên địa bàn trước mắt tạm ngưng việc chong đèn thanh long, đồng thời tập trung chăm sóc, nhằm kéo dài thời gian thu hoạch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh sản xuất thanh long sạch theo các tiêu chuẩn quốc tế, để xuất khẩu vào các thị trường khác ngoài Trung Quốc.
Theo nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận, hiện giá thanh long trên địa bàn chỉ còn 4 - 6 ngàn đ/kg. Với giá này nông dân thu hoạch thua lỗ nặng, vì lứa thanh long này đang ở vụ nghịch (chong đèn) nên chi phí đầu tư cao từ 10 - 12 ngàn/kg.
Cũng theo người trồng, mặc dù thanh long hiện rẻ bèo nhưng việc tiêu thụ diễn ra rất chậm. “Nếu để thanh long chín quá sẽ bị nứt trái thì chỉ vứt bỏ thôi. Bây giờ bà con đành chấp nhận bán thanh long với giá rẻ như hiện nay, chỉ mong gỡ gạc một ít vốn đầu tư”, chị Huỳnh Thị Tuyết Phương, một người trồng thanh long ở xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết nói.
Theo Sở Công Thương Bình Thuận, ước lượng tổng sản lượng thanh long toàn tỉnh sẽ thu hoạch trong tháng 2 này khoảng 44.586 tấn, tập trung chủ yếu tại các huyện Hàm Thuận Nam 20.000 tấn, Hàm Thuận Bắc 20.000 tấn, Bắc Bình 3.000 tấn...
Trong đó, sản lượng thanh long nông dân thu hoạch từ ngày 5/2- 9/2 khoảng 19.336 tấn; từ ngày 10/2- 16/2 khoảng 7.000 tấn; từ ngày 17/2- 23/2 khoảng 8.000 tấn và từ ngày 24/ 2- 29/2 là khoảng 10.250 tấn.
Mặt khác, hiện toàn tỉnh có 132 kho lạnh, với tổng công suất lưu trữ thanh long lên đến trên 16.000 tấn. Tính đến ngày 5/2, sản lượng thanh long được các doanh nghiệp thu mua lưu kho lạnh khoảng 7.685 tấn.
6 việc cần làm
Tại cuộc họp bàn giải pháp sản xuất, tiêu thụ thanh long trước ảnh hưởng của dịch bệnh nCoV chiều 7/2, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai đã đề nghị các Sở ngành liên quan, Hiệp hội thanh long Bình Thuận, cùng các doanh nghiệp phải phối hợp làm nhanh 6 việc để kịp thời tiêu thụ sản lượng thanh long sẽ thu hoạch trong tháng 2 này, nhằm tránh tình trạng người dân phải đổ bỏ.
Theo đó, Chủ tịch tỉnh yêu cầu cần nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ thuê những kho lạnh đủ điều kiện tạm trữ thanh long, cũng như chính sách hỗ trợ tiền điện cho các chủ kho lạnh. Rà soát các đơn vị, người dân trồng thanh long vay vốn ngân hàng bị rủi ro do ảnh hưởng dịch bệnh Corona để hỗ trợ kịp thời. Lựa chọn những đơn vị có kho lạnh tạm trữ đáp ứng các tiêu chuẩn như có uy tín với nông dân, thị trường, ngân hàng, chính quyền địa phương để hưởng chính sách.
Bên cạnh đó, rà soát tình hình thu hoạch, sản xuất thanh long, hướng dẫn nông dân thực hiện hợp lý, cộng thêm dự báo, cập nhật thông tin giá cả thị trường liên tục để nông dân bán được giá đúng, nhất là khi giá đã tăng.
Đồng thời tổ chức củng cố lại sản xuất theo chuỗi liên kết trên tinh thần phát huy từ sản xuất, thu mua, chế biến xuất khẩu thanh long. Đặc biệt phải kết nối để các doanh nghiệp kinh doanh thanh long tại tỉnh với các đơn vị mua thanh long ký kết hợp đồng ba bên ngay trong 1-2 ngày tới.
Ông Biện Tấn Tài, PGĐ Sở Công Thương Bình Thuận, cho biết, trước mắt tỉnh Bình Thuận đang tập trung tiêu thụ thanh long thông qua thị trường nội địa.
Hiện Sở đã làm việc với hệ thống Tập đoàn, siêu thị, Trung tâm thương mại tại TP. HCM, Big C, Lotte, Saigon Co.op, Bách hóa Xanh, VinMart, Satna, Mega Market, Satra, Genshei, Aeon, Nafoods Group... về việc kết nối, hỗ trợ, đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm thanh long cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân tỉnh. Theo đó, dự kiến các đơn vị sẽ tiêu thụ thanh long với sản lượng từ 120 - 200 tấn/ngày.
Bên cạnh đó, Sở Công thương TP. HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng đang giới thiệu 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Môn, Hóc Môn, các doanh nghiệp thành viên hỗ trợ tiêu thụ thanh long Bình Thuận.
Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận sẽ vận động một số doanh nghiệp thu mua thanh long lưu vào kho lạnh. Để làm được điều này tỉnh đang xây dựng phương án để hỗ trợ lưu kho cho doanh nghiệp.
Theo ông Biện Tấn Tài, PGĐ Sở Công Thương Bình Thuận, ngoài thị trường Trung Quốc, tỉnh có 18 thị trường khác lâu nay vẫn xuất khẩu thanh long, hiện các doanh nghiệp cũng đang kiếm thêm các đơn đặt hàng. Đối với xuất khẩu biên mậu sang thị trường Trung Quốc, hiện tỉnh Lạng Sơn đã có thông báo cửa khẩu tiếp tục lùi thông quan cho đến cuối tháng 2 này. Do đó, việc xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ thông qua đường biển. Về vấn đề này, Sở đã thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long trên địa bàn nắm bắt và chủ động.