Anh Kiên chia sẻ: “Tôi ấp ủ mô hình này cách đây vài năm nhưng mới thực hiện và thành công nhờ học tập kinh nghiệm tại Kiên Giang. Và từ đó tới nay, mô hình nuôi gà nòi lai F1 trên đệm lót sinh học đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho gia đình”.
Hiệu quả được khẳng định
Là hộ đầu tiên trong xã Khánh Thuận áp dụng và thành công với mô hình này, anh Kiên nhận định: “Đệm lót có tác dụng phân huỷ phân gà tại chỗ, lượng phân gà thải ra môi trường rất ít, chống lại một số bệnh ký sinh trùng, tiêu hoá tốt và hạn chế mùi hôi. Từ đó mà nhiều lứa nuôi qua tôi đã thành công”.
Con gà nòi lai F1 hay con gà thả vườn thật sự không còn xa lạ với người dân Cà Mau. Tuy nhiên, để 1 hộ có được đàn gà 500-700 con thì hiện nay trên địa bàn tỉnh không nhiều. Cũng là vật nuôi cũ, nhưng với tư duy mới, cách làm hiện đại và sự cần cù đã giúp anh Kiên tạo được sự khác biệt.
Anh Kiên cho biết, hiện nay mỗi tháng anh xuất bán bình quân khoảng 200 con gà thịt. Nếu trừ hết chi phí từ con giống, thức ăn cho đến thuốc và men vi sinh độn chuồng… mỗi con anh lãi khoảng 25.000-30.000 đồng. Tính ra, mỗi tháng gia đình anh thu nhập từ đàn gà từ 5-6 triệu đồng.
Tuy mới hơn 1 năm thực hiện mô hình nhưng anh Kiên đã am tường về kỹ thuật chăm sóc đàn gà. Anh chia sẻ kinh nghiệm: Chỉ cần chú trọng việc tiêm phòng đúng quy định và kết hợp với đệm lót sinh học sẽ giúp người nuôi không lo dịch bệnh trên đàn gà, hạn chế hao hụt và bảo đảm môi trường trong chăn nuôi. Không chỉ vậy, mô hình này giảm rất nhiều công lao động và tỷ lệ đạt trên 95%.
“Để gà có chất lượng thịt thơm hơn, ngoài thức ăn công nghiệp, vào buổi sáng và chiều nên cho ăn bằng lúa. Tuy gà chậm lớn hơn nhưng bù lại chất lượng thịt rất ngon”, anh Kiên chia sẻ.
Trăn trở đầu ra sản phẩm
Tuy hiện nay mô hình đang mang lại hiệu quả khá cao nhưng anh Kiên và một số hộ dân ở địa phương vẫn không dám đầu tư mở rộng sản xuất do sợ “đụng” hàng, “dội” chợ.
Anh Kiên cho biết, với điều kiện hiện nay gia đình có đủ khả năng cho ra thị trường một tháng từ 500-700 con gà thịt, nhưng đến nay vẫn chưa dám làm, do đầu ra chưa bảo đảm. Hiện chỉ tiêu thụ chủ yếu tại một vài quán cơm và một số tiểu thương trên địa bàn huyện U Minh, Thới Bình. Giá cả đầu ra vẫn chưa ổn định, hiện khoảng 75.000 đồng/kg.
Không chỉ anh Kiên trăn trở về đầu ra sản phẩm mà chính quyền địa phương trong ấp cũng đang lưỡng lự trong việc nhân rộng mô hình.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Trưởng Ban nhân dân ấp 17, xã Khánh Thuận, cho rằng, đây là mô hình có thể giúp nông dân xoá đói giảm nghèo, nhưng đến nay vẫn không dám vận động bà con trong ấp nhân rộng vì đầu ra không ổn định. Với điều kiện đất đai bạt ngàn cùng thời gian nuôi ngắn (khoảng 80 ngày) nếu bảo đảm được đầu ra thì mô hình này là một cơ hội để người dân đổi đời.
Có thể thấy, tuy đang mang lại hiệu quả cao nhưng con gà vẫn không thể thoát được vòng xoay của cơ chế thị trường. Không riêng về con gà mà hầu như tất cả nông sản của người dân hiện nay đang bị đầu ra làm chùn bước phát triển. Mở được nút thắt thị trường là một cơ hội để người dân bứt phá trong sản xuất, phát triển kinh tế gia đình./.
Ông Nguyễn Trần Thức, Giám đốc Trung Tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, nhận định, qua thời gian thử nghiệm ở nhiều nơi cho thấy mô hình nuôi nuôi gà trên đệm lót sinh học mang lại hiệu quả cao.
Nó thể hiện nhiều ưu điểm như: hạn chế mùi hôi, ô nhiễm môi trường, các bệnh về đường ruột và hô hấp trên gà, hạn chế lây truyền dịch bệnh, ít tốn công chăm sóc…
Không chỉ có mô hình nuôi gà mà đệm lót sinh học còn thể hiện nhiều ưu điểm trên con heo. Trong thời gian tới trung tâm tiếp tục hỗ trợ bà con về kỹ thuật chăm sóc, xây dựng chuồng trại cũng như làm đệm lót để đạt hiệu quả cao nhất
Theo Cà Mau Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn