Trước tình hình này, công tác quản lý dịch hại tổng hợp mang tính đồng bộ và tăng cường các biện pháp sinh học đang được các tỉnh trồng điều trong cả nước đặt ra ngày càng cấp bách.
Mất ngủ vì sâu bệnh không chữa được
Công tác quản lý sâu bệnh trên điều còn nhiều bất cập khiến dịch hại vẫn diễn biến phức tạp hơn.
Ghi nhận ý kiến của các địa phương trồng điều, đại diện Cục BVTV cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy trình quản lý sâu bệnh hại. Trong đó chú trọng các biện pháp sinh học và khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp tham gia. |
Chuyển đổi 2ha cao su già cỗi sang trồng điều ghép, ông Trịnh Kim Thành ngụ huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) kể, phần lớn thời giờ ông tự tìm hiểu cách trồng, chăm sóc nên vườn điều cho năng suất không được như mong muốn.
Năm 2017, nhiều vườn điều trong tỉnh bị bệnh khô cành, cháy lá. Ông Thành cũng tự tìm mua thuốc BVTV về phun, nhưng kết quả cũng không khả quan. Vườn cây 2ha chỉ cho thu hoạch được gần 3 tấn hạt điều tươi.
“Hiện tại, vườn điều tiếp tục bị sâu gây hại nhưng tôi cũng không rõ sâu bệnh gì và phải sử dụng thuốc BVTV nào cho đúng” - ông Thành nói.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Phước cho rằng, những trường hợp tương tự như thế là không hiếm do hậu quả của phương pháp lạm dụng thuốc BVTV. Các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại điều được khuyến cáo hiện nay vẫn đang thiên về thuốc hóa học nhưng người dân không ý thức rõ là sâu gì, bệnh nào và cách dùng thuốc ra sao.
Bà Tuyết kể, có nhiều người trồng điều phải qua huyện khác mua thuốc về trị mới hết bệnh, còn mua thuốc ở ngay địa phương không ăn thua. Họ kết luận rằng, các đại lý gần nhà bán thuốc giả mà đâu biết rằng, sâu bệnh trong vùng đã bị kháng thuốc. Lại có người mua thuốc về phun xịt tá lả mà hiệu quả vẫn không hơn gì người không hề phun thuốc. Từ đó hình thành tâm lý chủ quan hoặc chán nản, không quan tâm chăm sóc vườn điều. Sau nhiều lần như thế, việc vận động người dân chăm sóc, cải tạo vườn điều trở nên khó khăn hơn.
Theo đại diện Sở NNPTNT Bình Phước, sau nhiều năm cây điều bị gây hại nặng, một điều dễ nhận thấy là quy trình kỹ thuật quản lý sâu bệnh được khuyến cáo chưa sát hợp thực tế dù địa phương rất nỗ lực. Sau thời điểm ra quân cứu hộ bệnh khô cành, cháy lá đầu năm thì tiếp đó, trời mưa nhiều, khiến điều không trổ hoa, cây bị bệnh thán thư. Lực lượng chức năng ra quân xong, điều lại bị sâu đục trái tấn công làm năng suất, chất lượng hạt giảm sút.
Năm 2016, năng suất điều bình quân của Bình Phước đạt 14,25 tạ/ha; sang năm 2017 chỉ còn 7,8 tạ/ha. Năm 2018, sau nhiều cố gắng, năng suất điều phục hồi lại nhưng cũng chỉ đạt 12 tạ/ha, không như mong muốn. Đến nay bệnh cháy lá, khô cành vẫn chưa có biện pháp phòng trừ thích hợp.
Cây điều rất nhạy cảm với biến đổi khí hậu. “Chỉ cần một cơn mưa giữa mùa khô, từ nông dân đến lãnh đạo sở cuống cuồng không ngủ được. Nhiều khi suốt cả ngày, cả tỉnh Bình Phước chỉ lo chuyện điều, bà con rối rắm vô cùng” - bà Tuyết kể.
Sở NNPTNT Bình Phước kiến nghị ngành nông nghiệp cần nghiên cứu nhiều hơn nữa quy trình chăm sóc cây điều, tập trung vào canh tác và biện pháp sinh học. Cục BVTV cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất nhiều thuốc hữu cơ đưa vào danh mục. Nhiều nông dân cho biết, họ cũng mong muốn như vậy, và rất phù hợp với xu hướng sản xuất sạch.
Tăng cường biện pháp sinh học
Muốn phát triển tốt cây điều, phải đảm bảo nhiều yếu tố và cách thức đồng bộ từ giống, biện pháp thâm canh tới phòng chống sâu bệnh. Ảnh: N.V
Đồng tình, ông Nguyễn Chí Đức - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, cây điều trồng trên địa hình đồi dốc, đất xấu, người trồng điều còn nghèo là tình hình phổ biến ở nhiều địa phương. Việc khuyến cáo phun xịt thuốc hóa học là không khả thi, vừa tốn kém vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có chính sách hỗ trợ bà con cả trong sản xuất lẫn khi gặp thiên tai. Nhưng muốn phát triển tốt cây điều phải đảm bảo nhiều yếu tố và cách thức đồng bộ từ giống, biện pháp thâm canh tới phòng chống sâu bệnh. Ông Đức kể, có trường hợp nông dân trồng điều mạnh dạn dùng bẫy đèn để trừ sâu đục thân, bước đầu rất hiệu quả. Nhưng các vườn khác không ai làm theo. Bao nhiêu sâu bệnh lại kéo hết về vườn có đặt bẫy đèn.
Phun xịt thuốc hóa học cũng vậy. Sau khi sâu bệnh bay đi, vườn cây đâm chồi nảy lộc. Nhưng các vườn bên cạnh không đồng loạt xua đuổi, sâu bệnh quay lại tấn công vườn điều mới lên xanh mơn mởn. “Cách thực hiện không đồng loạt khiến hậu quả tàn phá còn tai hại hơn lúc chưa diệt trừ sâu bệnh” - ông Đức nói.
Theo ông Nguyễn Văn Thiệt – Phó Cục trưởng Cục BVTV, trong nước đang sử dụng khoảng 11 triệu tấn phân bón mỗi năm nhưng chỉ 10% trong số này là phân hữu cơ. Với thuốc BVTV, hiện có hơn 4.000 mẫu thương phẩm nhưng chỉ có 18% là thuốc có gốc sinh học. Vừa qua Bộ NNPTNT đã chỉ đạo phải nâng con số này lên 30% vào năm 2020.
Theo Nguyên Vỹ (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn