Hiệp hội Thủy sản Quốc gia Mỹ (NFI) vừa công bố danh sách 10 loại thủy sản được ưa chuộng nhất tại Mỹ năm 2011. Tôm, cá ngừ đóng hộp và cá hồi tiếp tục là 3 loài thủy sản được ưa chuộng nhất tại Mỹ với mức tiêu thụ bình quân lần lượt là 4,2 pound/người, 2,6 pound/người và 1,952 pound/người. Cá minh thái Alaska xếp thứ 4 với 1,312 pound/người, tăng 0,12 pound so với năm 2010. Cá rô phi xếp thứ 5 với 1,287 pound/người, trong khi năm 2010 con số này là 1,450 pound/người, xếp thứ 4.
Trong năm 2011, cá tra, basa (pangasius) là một trong những loại thủy sản có mức tăng trưởng tiêu thụ bình quân mạnh nhất, tăng thêm 0,223 pound, đạt 0,628 pound/người.
Năm 2009, lần đầu tiên cá tra, cá basa Việt Nam lọt vào danh sách thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất tại Mỹ, xếp ở vị trí thứ 10, với mức tiêu thụ bình quân 0,356 pound/người. Kể từ đó đến nay, loài cá này đã không ngừng “thăng hạng”. Năm 2010, mức tiêu thụ cá tra, basa trên thị trường Mỹ lại tăng 14%, đạt mức 0,405 pound/người, đưa loại thủy sản vốn được xem là “con cá vàng” của thủy sản Việt Nam lên vị trí thứ 9 trong danh sách nói trên. Năm 2011, với mức tiêu thụ cá tra bình quân đạt 0,628 pound/người, tăng thêm 0,223 pound so với 0,405 pound trong năm 2012, cá tra Việt Nam lần đầu tiên vượt qua cả cá da trơn Mỹ, nhảy vọt từ vị trí thứ 9 lên vị trí thứ 6, tăng 3 bậc trong bảng xếp hảng, trong khi cá da trơn Mỹ bị đẩy từ vị trí thứ 6 xuống thứ 7. Sự gia tăng nhanh chóng xuất khẩu cá tra vào Mỹ đã khẳng định vị trí của loại thủy sản này trong lòng người tiêu dùng Mỹ.
Thị trường kỳ vọng
Theo thống kê của VASEP,8 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt hơn 1,15 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường EU giảm 20,1%, nhưng bù lại thị trường Mỹ lại tăng gần 30%, chiếm 22% tổng giá trị xuất khẩu.Nhờ xuất khẩu vào thị trường Mỹ được ưu đãi thuế suất bằng không, nên đến cuối tháng 9/2012, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL đã đạt kế hoạch khá cao.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, để xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt được mục tiêu 1,8 - 2 tỷ USD trong năm 2012, Mỹ được xem là thị trường kỳ vọng trong những tháng còn lại của năm.
Trong khi xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Mỹ tăng mạnh thì sản lượng cá da trơn nuôi ở Mỹ (tương tự như cá tra Việt Nam) lại giảm đi. Nguyên nhân là do, người nuôi cá da trơn tại Mỹ đã quay lưng lại với loại cá này bởi trong những tháng gần đây, giá nguyên liệu thức ăn (ngô, đậu tương) ở Mỹ đã tăng từ trung bình 400 USD/tấn cách đây 2 năm lên đến 600 USD/tấn, trong khi giá bán cá liên tục giảm nhẹ.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cá da trơn được chế biến trong tháng 8/2012 đạt 24,9 triệu (1 pound = 0,45 kg), giảm 19% so với cùng kỳ năm 2011. Điều này phần nào sẽ giúp cá tra Việt Nam có thêm cơ hội để “chinh phục” thị trường Mỹ.
2009 (pound) | 2010 (pound) | 2011 (pound) | |||
Tôm | 4,10 | Tôm | 4,0 | Tôm | 4,2 |
Cá ngừ đóng hộp | 2,5 | Cá ngừ đóng hộp | 2,7 | Cá ngừ đóng hộp | 2,6 |
Cá hồi | 2,04 | Cá hồi | 1,999 | Cá hồi | 1,952 |
Cá minh thái Alaska | 1,454 | Cá rô phi | 1,450 | Cá minh thái Alaska | 1,312 |
Cá rô phi | 1,208 | Cá minh thái Alaska | 1,192 | Cá rô phi | 1,287 |
Cá da trơn | 0,849 | Cá da trơn | 0,800 | Cá pangasius (tra, basa) | 0,628 |
Cua | 0,594 | Cua | 0,573 | Cá da trơn | 0,559 |
Cá tuyết | 0,419 | Cá tuyết | 0,463 | Cua | 0,518 |
Ngao | 0,413 | Cá pangasius (tra, basa) | 0,405 | Cá tuyết | 0,501 |
Cá pangasius (tra, basa) | 0,356 | Ngao | 0,341 | Ngao | 0,331 |